Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Phạm Thị Hồng Sim (quận Ba Đình) cho biết, nhân dân rất ủng hộ, đồng tình với nhiều giải pháp về kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai và đồng tình cao việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Cử tri Phạm Thị Hồng Sim cho rằng, việc này giúp đảm bảo công tác phòng, chống tiêu cực luôn có “tai mắt của nhân dân”; giúp phát hiện và xử lý kịp thời, đúng đối tượng có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cử tri lưu ý Trung ương cần có giải pháp để ban này không bị “vô hiệu hóa” ở địa phương.
Bên cạnh đó, cử tri Phạm Thị Hồng Sim mong muốn Trung ương tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng về quản lý đất đai, thể chế đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ với phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất…
Bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao vai trò của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa qua, cử tri Nguyễn Vy Yên cho biết, nhân dân đồng tình, ủng hộ việc xử lý nghiêm minh vụ Việt Á, vụ việc ở Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, vụ thao túng thị trường chứng khoán...
Về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, cử tri Nguyễn Vy Yên phát biểu: “Dư luận nhân dân mong chờ và tin tưởng trên cơ sở mô hình và những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả công việc của Ban Chỉ đạo Trung ương những năm qua, ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ làm tốt công tác này”.
Bên cạnh đó, các ý kiến cử tri cũng đánh giá cao công tác điều hành linh hoạt tại kỳ họp thứ 3, ghi nhận các nội dung chất vấn, tranh luận đã đi thẳng trọng tâm, ngắn gọn, phản ánh sát thực tế đời sống và nguyện vọng nhân dân; và mong muốn các vấn đề đã được thảo luận tại Quốc hội, cùng những lời hứa sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị đứng đầu các bộ ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng tạo ra các chuyển biến tích cực.
Cử tri cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan như: môn học Lịch sử phải là môn học bắt buộc; bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn, xuất bản SGK; chấn chỉnh việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Sau khi Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trao đổi, giải đáp một số ý kiến, kiến nghị cử tri nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, trao đổi với cử tri.
Theo Tổng Bí thư, cử tri 3 quận nắm rất rõ tình hình Thủ đô, đất nước, phát biểu ý kiến ngắn gọn, nhưng đề cập trúng các vấn đề, đóng góp ý kiến rất có trách nhiệm. Tổ đại biểu ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri.
Thông tin tới cử tri về nội dung, kết quả kỳ họp thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không khí làm việc Quốc hội ngày càng đổi mới, sôi nổi, thực chất hơn; đã thực hiện đúng tinh thần là không nói lý thuyết chung chung, mà bám sát vào đời sống thực tế, bàn những vấn đề thiết thực, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng.
“Tôi đề nghị HĐND các cấp cần phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội, làm đúng vai là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương; đề ra được các chính sách phù hợp với lòng dân, để huy động sức mạnh nhân dân phục vụ xây dựng đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Trao đổi về một số nội dung cụ thể cử tri nêu, trước hết là vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, quan điểm nhất quán của Trung ương là phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ, bài bản từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật; từng bước đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật. Nhờ cách làm này mà ngay cả người vi phạm cũng nhận ra sai phạm, hứa sẽ khắc phục khuyết điểm.