Tổng Bí thư luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị. Tình yêu của Tổng Bí thư dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói. Tinh thần “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, hay “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc, văn hóa còn, dân tộc còn” thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của Tổng Bí thư về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tích cực ủng hộ và khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tổng Bí thư đã từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cao giá trị của nền văn hóa Việt Nam, khẳng định rằng bảo vệ văn hóa truyền thống là bảo vệ nền tảng tinh thần và bản sắc của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu xếp thời gian tham gia vào các hội nghị, diễn đàn văn hóa, gặp gỡ các văn nghệ sĩ, trí thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và góp phần vào việc xây dựng chính sách văn hóa hợp lý. Trong những cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ, trí thức trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích họ sáng tạo, phát triển những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, gắn liền với đời sống hiện đại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự tự hào về những đóng góp to lớn của giới văn nghệ sĩ cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Tổng Bí thư coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nhằm không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa và đưa các giá trị văn hóa truyền thống đến với các tầng lớp nhân dân.
Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục văn hóa cho các thế hệ trẻ, thông qua hệ thống giáo dục và các chương trình hoạt động văn hóa, nhằm tạo ra những con người có tâm hồn trong sáng, yêu nước, yêu người. Tổng Bí thư khẳng định cần sự tham gia của toàn xã hội, từ các tổ chức, doanh nghiệp đến mỗi người dân trong việc phát triển văn hóa. Tổng Bí thư đề nghị tăng cường cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng của đất nước. Tình yêu văn hóa không chỉ là tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư mà còn là một chiến lược phát triển đất nước lâu dài và bền vững. Với những nỗ lực không ngừng, ông đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Ông được coi là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam, người đã và đang đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của đất nước, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội.
PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội