Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Làm rõ những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại

Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến đối với nhiều nội dung, trong đó có tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sáng 2-10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc Trung ương xem xét, cho ý kiến các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023-2024 đặt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó khăn, thách thức nhiều và lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi. So với dự báo, những biến động này đã ảnh hưởng tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Trong khi đó, đất nước tiếp tục đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.

“Đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu thật kỹ tờ trình và các báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ; tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua; chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện. Từ đó, xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024”, Tổng Bí thư đề nghị.

Quang cảnh hội nghị phiên khai mạc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quang cảnh hội nghị phiên khai mạc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đề cập việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Ban Chấp hành Trung ương cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Song song, sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này. Từ đó, phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thời kỳ mới.

Liên quan việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư lưu ý, Ban Chấp hành Trung ương cần phân tích, làm rõ, tạo thống nhất cao về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới, sự phát triển và thay đổi nhu cầu, lợi ích của các giai tầng xã hội hiện nay; tinh thần là những kết quả, thành tựu chủ yếu cần tiếp tục phát huy; những hạn chế, khuyết điểm cần sớm khắc phục, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được rút ra; chủ trương, chính sách tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ đó, cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành nghị quyết mới và những nội dung chủ yếu của dự thảo nghị quyết về “Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc phải giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc phải giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, bối cảnh tình hình mới đòi hỏi đất nước phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư cho rằng, đây là việc làm hết sức cần thiết để Trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường.

Tổng Bí thư đề nghị, Ban Chấp hành Trung ương tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm chủ yếu.

“Tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải vượt qua để chủ động từ sớm, từ xa, trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và Chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, cho ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Các đại biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các đại biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta lâu nay luôn xác định, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ".

Nêu rõ việc xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tổng Bí thư cho biết, ngày 7-7 vừa qua, căn cứ quy chế làm việc và Quy định số 50-QĐ/TW (ngày 27-12-2021) của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031, trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc; mục đích, yêu cầu; tiêu chuẩn; số lượng và cơ cấu; đối tượng và độ tuổi; quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ nhân sự; số lượng phát hiện, giới thiệu đưa vào quy hoạch...

“Thời gian qua, trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn hệ thống chính trị; Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 đã khẩn trương, nghiêm túc phối hợp các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho định hướng hoàn thiện thêm một bước dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại hội nghị lần này. Đề nghị các đồng chí phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thật sự khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến của mình đối với tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục