Tạo bước ngoặt quan trọng trong phòng chống tham nhũng
Khái quát những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nêu 3 điểm chính.
Thứ nhất, đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, thể hiện ở vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai các nhiệm vụ ở bất kỳ trọng trách nào mà đồng chí gánh vác. Từ khi làm lãnh đạo Tạp chí Cộng sản cho đến lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, hay Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, dù bất cứ vị trí nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ đạo trực tiếp, cặn kẽ từng công việc.
Thứ hai là đóng góp về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Tổng Bí thư là một trong số ít những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, đồng thời là nhà lý luận. Cả cuộc đời của đồng chí gắn bó với công tác nghiên cứu lý luận từ khi tốt nghiệp đại học (năm 1967) cho đến phút cuối đời, lúc nào đồng chí cũng quan tâm đến công tác lý luận và trực tiếp là nhà nghiên cứu lý luận.
Thứ ba, là tấm gương của một người cộng sản liêm khiết, một người gương mẫu đi đầu trong việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Đồng chí trong suốt cuộc đời hoạt động của mình luôn liêm khiết, chuyên cần, nhẫn nại, gần dân, thương dân. Không những thế, đồng chí còn truyền tấm gương, tình cảm tốt đẹp đó cho cả gia đình. Vì vậy, cả gia đình đồng chí là một gia đình rất gương mẫu.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng là người gần như đã tạo ra bước ngoặt đặc biệt trong quá trình lãnh đạo đất nước với trách nhiệm người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN). Có thể nói, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong PCTN. Lần đầu tiên, PCTN không có vùng cấm, việc xử lý rất bài bản. Nhiều vụ án ngay lập tức được xem xét đưa ra ánh sáng, kể cả những vụ án đã xuất hiện trước đó cả chục năm, nhưng khi có khuất tất thì đều bị xử lý. Công cuộc PCTN này đã thay đổi nhận thức rất lớn của của toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, tạo nên nhận thức nghiêm túc đối với vấn đề phê bình, kỷ luật đảng, đấu tranh trong nội bộ đảng. Nếu trước kia người sai phạm có thể hạ cánh an toàn, nhưng nay thì không. Nếu có tham nhũng, lãng phí thì không có bất cứ cửa thoát cho một ai. Đó là nhận thức rất quan trọng.
Công cuộc đó không chỉ đóng góp vào việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mà còn có vai trò quan trọng là củng cố niềm tin của dân, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, người dân rất tin tưởng vào đồng chí Tổng Bí thư, tin tưởng vào công cuộc đấu tranh PCTN, kể cả khi một số cán bộ cấp cao bị xử lý, thì người dân vẫn rất tin cậy vào công cuộc PCTN. Đó chính là điều rất quan trọng để bảo vệ Đảng, xây dựng Đảng, tăng cường sức mạnh của Đảng, đặc biệt là sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Bởi sức mạnh, quyền lực của Đảng chỉ có dựa vào một điểm tựa duy nhất, đó là niềm tin của dân. Khi Đảng có niềm tin của dân là khi Đảng có sức mạnh lớn nhất.
GS-TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định, kết quả này không thể tách rời tài năng, bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức của "người đốt lò" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu người đứng đầu không liêm chính, không trong sạch thì trên bảo dưới không nghe. Đồng chí, gia đình đồng chí là tấm gương sáng, đi đầu trong sạch, nên đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ. Tổng Bí thư là tấm gương về quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nêu cao đạo đức cách mạng.
Một điều nữa là thái độ rất gần dân, chia sẻ với dân. Mọi hoạt động, việc làm, lãnh đạo đối với Nhà nước, với Đảng, đều tập trung vì dân, vì hạnh phúc của dân, đó là tối thượng.
Một nhà lý luận xuất sắc của Đảng
Đối với công tác lý luận, theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Đóng góp của Tổng Bí thư là rất to lớn. Về mặt chỉ đạo thực tiễn, đồng chí liên tục là người có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng kể từ năm 1996, khi đồng chí là ủy viên của Hội đồng Lý luận Trung ương, sau đó là Chủ tịch Hội đồng khóa 2, liên tục là người được Bộ Chính trị phân công chịu trách nhiệm về công tác lý luận của Đảng. Trong quá trình đó, năm 2001-2005, đồng chí là người tham gia trực tiếp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng.
Kết quả tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, là nền tảng, cơ sở khoa học thực tiễn để phục vụ cho việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011-2015) mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua. Trong suốt quá trình đó, đồng chí là người trực tiếp triển khai công tác lý luận. Trong thời gian để chuẩn bị cho báo cáo chính trị Đại hội XI, đồng thời chuẩn bị cho bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy các đoàn đi khảo sát, đánh giá tổng kết thực tiễn ở các địa phương, trực tiếp là Phó trưởng Ban chỉ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm phụ trách tổ biên tập. Cùng với đó, đồng chí có vai trò rất quan trọng trong việc tổng kết và làm rõ, hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam rất đặc trưng.
Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, có thể nói, tổng kết 20 năm đổi mới là bước rất quan trọng để dẫn tới một loạt các vấn đề đặt ra như: khẳng định Nhà nước pháp quyền; vai trò quan trọng của xây dựng, chỉnh đốn đảng; đường lối văn hóa; tăng trưởng kinh tế gắn liền với xây dựng, phát triển văn hóa, tiến bộ công bằng xã hội… Những vấn đề rất quan trọng đó hầu như đã được tổng kết, đánh giá trong quá trình tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng, khẳng định tiếp theo của mô hình CNXH với 8 đặc trưng.
Bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tác phẩm kinh điển về nhận thức lý luận CNXH, trở thành cốt tử, trung tâm của nhận thức lý luận, được nhiều nước trên thế giới quan tâm, trong đó có cả những trường đại học của Mỹ...