Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo có tầm lý luận và tư duy sáng tạo

​Nhân ngày giỗ lần thứ 38 cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (10-7-1986 - 10-7-2024), chúng ta nhớ về người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tầm nhìn xa trông rộng, đóng góp vào việc giải quyết thành công những vấn đề chiến lược liên quan đến vận mệnh nước nhà.

Luôn sáng suốt trước những bước ngoặt của lịch sử

​Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1928 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập.

L7a.jpg
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm công trường thủy điện Trị An, tỉnh Đồng Nai, năm 1984

​Từ năm 1946-1954, đồng chí là Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương cục miền Nam, đã lãnh đạo, tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau Hiệp định Genève năm 1954, đồng chí được Trung ương phân công ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam. Trong điều kiện địch khủng bố ác liệt, đồng chí đã lăn lộn khắp các địa bàn Nam bộ, từ bưng biền đến các đô thị nắm tình hình, củng cố tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng. Đồng chí đã khởi thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam (8-1956), góp phần chuẩn bị ra đời Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (7-1959), tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam.

Với cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1960-1986, đồng chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối, phương pháp cách mạng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Dấu ấn của đồng chí được thể hiện rõ qua việc góp phần đưa miền Bắc từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chỉ đạo, tổ chức cuộc chiến đấu ở tiền tuyến lớn miền Nam. Đánh giá công lao và tài năng đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định: “...Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và tình huống phức tạp”.

Đồng chí Lê Duẩn là nhà lãnh đạo có tầm lý luận và tư duy sáng tạo, có những quyết sách lớn, chủ trương lớn. Trong chỉ đạo công cuộc kháng chiến cứu nước, đồng chí đã thể hiện tư tưởng dám đánh và quyết thắng; đánh địch trên 3 mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, trên 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị, bằng 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận.

Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Đồng chí Lê Duẩn luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết nhằm huy động các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất tổ quốc. Trong “Thư vào Nam”, đồng chí đã đặt vấn đề rất sớm về chính sách đại đoàn kết, chính sách hòa hợp dân tộc, hợp tác lâu dài với tất cả những ai thật sự tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc. Sau giải phóng, đồng chí nhắc phải mở rộng Mặt trận hơn nữa để các thành phần trí thức, tư sản tham gia, phải thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng thật sự. Đồng chí luôn căn dặn, làm công tác Mặt trận là phải biết cách thuyết phục bằng lý trí, tình cảm chứ không phải bằng quyền uy. Nguy cơ của Đảng cầm quyền là không tin quần chúng, xa rời quần chúng, chỉ biết làm thầy chứ không biết làm học trò, không biết tôn trọng quần chúng, không hết lòng phục vụ quần chúng.

Những vấn đề về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đã được đồng chí Lê Duẩn nung nấu, chỉ đạo. Đồng chí cũng là người phát động quá trình đổi mới tư duy kinh tế từ Hội nghị Trung ương 6, khóa IV.

Đồng chí Lê Duẩn có những chỉ đạo sâu sắc về công tác xây dựng Đảng. Theo đồng chí, muốn xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phải có phong trào quần chúng. Sau ngày giải phóng, có lần, trong cuộc hội nghị với cán bộ miền Nam, đồng chí bày tỏ sự mong muốn cán bộ phải độc lập, sáng tạo và thẳng thắn hơn nữa. Trong lúc nói chuyện, đồng chí đặt câu hỏi: “Hiện bây giờ, cấu tạo cấp ủy, cán bộ có phải vì nhiệm vụ cách mạng hay là vì thương lượng với nhau? Tại sao có sai mà không ai dám cãi cả!”.

Đồng chí luôn khuyến khích sự sáng tạo với tinh thần “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” và luôn sẵn sàng trao đổi mọi vấn đề, không né tránh. Đối với thanh niên, đồng chí cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại và luôn nhắc thanh niên phải sống có chí hướng, có hoài bão, không ngừng vươn lên nắm bắt tri thức của loài người và phải noi theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.

Đồng chí Lê Duẩn là một nhân cách trung thực, giản dị, luôn đồng cam cộng khổ và gần gũi với nhân dân. Một cuộc đời, một chiến sĩ cách mạng kiên cường đã vượt qua mọi thử thách, mọi bão táp của đấu tranh cách mạng. Vượt lên tất cả, đồng chí đã tìm tòi, phát hiện quy luật của chiến tranh, của hòa bình, quy luật kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tình cảm. Một người có cách tư duy chiến lược, có cách vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cách mạng Việt Nam...

Với niềm tự hào và lòng biết ơn đối với đồng chí Lê Duẩn cùng những nhà lãnh đạo, những vị tướng tài ba của thời đại Hồ Chí Minh, những anh hùng, liệt sĩ, các tầng lớp nhân dân - những người đã góp máu xương, công sức cho hòa bình, thống nhất, chúng ta sẽ chung sức, chung lòng bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh, hiện đại theo nguyện ước của Bác Hồ kính yêu.

Dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Chiều 8-7 (mùng 3 tháng 6 năm Giáp Thìn) tại Di tích Khu lưu niệm nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 38 năm ngày mất cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (10-7-1986 - 10-7-2024). Tại buổi lễ, các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục