Tổng Bí thư: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát...

Ngày 28-12, lần đầu tiên Tổng Bí thư dự Hội nghị mở rộng của Chính phủ và có phát biểu chỉ đạo.

Tăng trưởng mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới

Nhìn lại năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Về đối ngoại, quốc phòng - an ninh, năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ảnh 1 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP
Thông qua các biện pháp vừa hợp tác vừa đấu tranh, chúng ta đã kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm các lợi ích chiến lược của đất nước.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Tổng Bí thư cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.

Tổng Bí thư nhắc lại, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, kết luận các sai phạm và quyết định xử lý kỷ luật hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét kỷ luật nghiêm đối với nhiều tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Ngành thanh tra đã triển khai hơn 6.800 cuộc thanh tra hành chính, gần 260.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; đã phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý 68 vụ, 107 đối tượng tham nhũng.

Cơ quan điều tra trong cả nước đã kết luận điều tra 197 vụ, 467 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 219 vụ, 481 bị can.

Toà án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội tham nhũng.

Các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận hết sức quan tâm…

Tổng Bí thư: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ảnh 2 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị sáng 28-12-2017. Ảnh: TTXVN
Nhấn mạnh một trong những nguyên nhân đạt tới những thành công đó, Tổng Bí thư cho rằng là nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn

Tuy nhiên, Tổng Bí thư yêu cầu chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại và đầu tư ở nhiều nơi.

Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được.

“Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn…”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Về nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư đề nghị tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII.

Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước.

Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh, cùng phát triển theo pháp luật.

Tổng Bí thư: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ảnh 3 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Cùng với đó, quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu của chúng ta trong thời gian tới.

Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực. Quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân…

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh nhiệm vụ kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước.

Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn. Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

“Thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục