Tờ trình nêu rõ, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8-3-2018 tại Santiago - Chile, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore.
Sau khi ký Hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực.
“Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với nước ta” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh. |
Nhưng bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thác thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của ta”.
Đánh giá tác động về mặt kinh tế có liên quan tới Việt Nam sau khi gia nhập CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.
“Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói và dẫn chứng: Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9-2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000.
Nhưng theo Phó Thủ tướng, cũng có nhiều mặt trái khi CPTPP có hiệu lực như sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường. Xét theo mặt hàng, thịt heo, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu.
Ngoài ra, cũng có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô. “Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp”- Phó Thủ tướng nói.
Một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics cũng có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Nhưng do cơ cấu xuất nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam.
Theo báo cáo thuyết minh, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp trung ương và kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Một số ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế-xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Vì vậy, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Dự kiến chiều 12-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức tham gia CPTPP.