Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu của phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”

Ngày 4-9, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt thân mật với đoàn đại biểu được tôn vinh trong phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” giai đoạn 2019 - 2024.

Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao và hoan nghênh Công đoàn Viên chức Việt Nam đã phát huy tốt vai trò chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức, phát động, triển khai các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn viên chức Việt Nam và các cấp, ngành phát động, trong đó có phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, thời gian qua, phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị; góp phần nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Việc triển khai sâu rộng phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” trong cả nước, đã xuất hiện hàng ngàn điển hình tiên tiến.

tbttolam3.jpeg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu tiêu biểu của phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, sáng 4-9. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thu nhập cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đó là khát vọng của toàn dân tộc và cũng là thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Trong bối cảnh mới ngày càng nhiều khó khăn, thách thức, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực. Trong đó, nguồn lực con người là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất; cần có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết.

tbttolam2.jpeg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu tiêu biểu của phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, sáng 4-9. Ảnh: TTXVN

Trích dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của dân, là đầy tớ của dân; việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh, coi đó là kim chỉ nam trong suốt quá trình thực thi công vụ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn trong nhiệm vụ, công việc hàng ngày, từ tham mưu các chủ trương, chính sách vĩ mô, đến các công việc hành chính, phục vụ cụ thể, mỗi người phải thương yêu nhân dân, lắng nghe nhân dân, tận tâm lo lắng, trăn trở và quyết tâm giải quyết kịp thời, thấu đáo, hiệu quả các vấn đề nảy sinh liên quan đến cuộc sống, sinh kế của người dân và khó khăn của tổ chức, doanh nghiệp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, trước yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lấy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tri thức làm nền tảng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải thực sự năng động, đổi mới sáng tạo; phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị; nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật; không ngừng nâng cao tri thức, đổi mới tư duy và tầm nhìn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, để thúc đẩy tư duy đổi mới, tinh thần sáng tạo, trong công tác cán bộ, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu phải đánh giá đúng cán bộ, thực sự quan tâm khích lệ, quy hoạch, đề bạt, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ; không dám tham mưu, không ra quyết định, không dám đương đầu với khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục