Giống như một sự tiếp nối trong hành trình tôn vinh và lan tỏa văn hóa thưởng trà của Việt Nam; sau Trà Thượng Ty, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn vừa giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách thứ hai - Phác thảo danh trà Việt Nam do NXB Tổng hợp ấn hành.
Với cuốn sách lần này, Tiến sĩ Vũ Thế Ngọc đánh giá: “Phác thảo danh trà Việt Nam không chỉ giới thiệu cho chúng ta một danh sách dài và chi tiết về tên trà Việt mà còn là một bản đồ dẫn chúng ta về địa lý và lịch sử muôn màu của thế giới trà Việt. Khi vì lý do nào đó chưa cho phép bạn một lần lên đỉnh Tây Côn Lĩnh uống trà shan tuyết hay đến Hà Nội uống trà sen mùa thu Tây Hồ, thì bạn vẫn ít nhất còn tác phẩm này trên tay”.
Mặc dù tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ khiêm tốn gọi cuốn sách của mình là “phác thảo”; tuy nhiên, nhờ được đầu tư công phu nên người đọc có thể bắt gặp ở đây những thông tin tương đối đầy đủ về các loại trà cũng như các vùng lãnh thổ chuyên trồng trà của Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu đến những cách thưởng trà của những vùng đất khác nhau, từ đó tạo nên sự đa dạng và phong phú trong văn hóa thưởng trà của người Việt.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn, chúng ta có quyền tự hào về những rừng trà cổ, độc nhất trên thế giới với những vùng trà cổ thụ mà không phải đất nước nào cũng có như vùng chè “Tuyết” cổ thụ Tủa Chùa (Điện Biên), vùng chè Tà Xùa (Sơn La), vùng trà Suối Giàng, vùng trà Thái Nguyên, vùng trà Bằng Phúc (Bắc Kạn).
Theo tác giả, trà Việt mang đầy đủ giá trị vật chất, tinh thần và luôn hiện hữu trong đời sống của người Việt. Trà có mặt trong giao tiếp khi khách đến chơi nhà, tiễn bạn đi xa, trong lễ tết, cưới hỏi, ma chay, thờ cúng tổ tiên, dâng cúng Phật, quà biếu tặng và là lễ vật ngoại giao…
Có một thực tế rằng: Việt Nam đang có hơn 100 loại trà và có truyền thống uống trà từ lâu, nhưng trà Việt vẫn chưa phải là thức uống vang danh trên thế giới. Đặc biệt, nếu so với trà đạo của Nhật Bản, thì trà Việt vẫn còn giữ một vị trí khiêm tốn.
Về vấn đề này, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ: “Từng người cảm nhận giá trị của trà Việt, từng người có niềm tự hào của riêng mình; niềm tự hào của mỗi cá nhân được nhân lên thì lúc đó, nước ta sẽ tự hào về trà của mình, sau đó mới lan tỏa ra thế giới. Ở Việt Nam có một văn hóa uống trà truyền thống từ hàng ngàn năm và vẫn duy trì đến ngày nay đó là lối uống chè tươi. Chè tươi xuất hiện ở tất cả mọi nơi, mọi ngõ ngách, từ làng quê đến thành thị. Đó là điều khác biệt nhất so với thế giới”.