Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực liên tục phát triển sâu rộng, nhất là từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện. Thực hiện lời dạy của Bác “càng khó khăn thì càng phải thi đua”, các cấp, ngành và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua, phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra; kiểm soát được dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động trong phạm vi cả nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã được các cấp, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia.
Phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, góp phần thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”. Nhiều mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả từ một đến một vài địa phương đã lan tỏa ra cả nước. Ví dụ như mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018-2020; mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh; phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà” của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ…
Người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong 10 năm qua, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 2 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến năm 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu như dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Từ các phong trào thi đua yêu nước, trên cả nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Trong 5 năm qua, Nhà nước đã trao nhiều huân, huy chương, các danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới… Và, hơn 2.000 đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là những đại diện xuất sắc. Tuy vậy, con số cá nhân được tôn vinh có thể còn khiêm tốn vì trên thực tế, có rất nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc… vẫn đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho cộng đồng, đất nước.
Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và trong nước đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành quả 5 năm qua, chúng ta cần tiếp tục thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện tốt lời dạy của Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Để công tác thi đua thực sự hiệu quả, lan tỏa, không hình thức, cần quan tâm nhiều hơn đến việc khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác; các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; các trường hợp lập được thành tích đột xuất; các hành động dũng cảm, xả thân vì Tổ quốc, vì cộng đồng. Chính họ cũng là những tấm gương xứng đáng được tôn vinh kịp thời, thường xuyên, từ đó góp phần cổ vũ phong trào thi đua trên cả nước.