Giải không có giới hạn về thời gian, các tác phẩm chỉ cần do NXB Trẻ xuất bản từ ngày đầu thành lập (từ giai đoạn NXB Măng Non thành lập năm 1981) đều được tính. Giải được trao nhằm tôn vinh, khích lệ và tri ân đối với các tác giả trong nước, không phân biệt thể loại, không trao cho các tác phẩm dịch, chuyển ngữ… Không chỉ đơn thuần danh hiệu mà giải còn được gắn kèm với lợi ích vật chất khá lớn. Với mốc 100.000 bản, tác giả sẽ nhận được giá trị giải thưởng tương đương 0,1% trên doanh thu bán sách. Giá trị giải thưởng sẽ tăng dần theo số sách được bán ra dựa vào các mốc 100.000 bản. Nếu xuất bản được 200.000 bản, tỷ lệ giá trị giải thưởng sẽ là 0,2%; 300.000 bản là 0,35%; 400.000 bản là 0,55%; 500.000 bản sẽ là 0,8%… Giải thưởng được tính theo dạng lũy kế, nghĩa là tác giả sẽ nhận được giá trị giải theo từng mức 100, 200, 300… và được cộng dồn lại chứ không chỉ tính ở số sách bán được cao nhất. Ví dụ, tác giả có tác phẩm bán được 300.000 bản sẽ nhận giá trị giải thưởng là 0,1% + 0,2% + 0,35%. Theo ước tính, với số sách bán được trên 300.000 bản, giá trị giải thưởng của tác giả nhận được có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản trong nước, có một NXB tổ chức giải thưởng với phương thức và quy mô lớn như vậy.
Theo thông tin từ NXB Trẻ, tính đến hết ngày 31-12-2017, có 12 tác phẩm do NXB Trẻ xuất bản vượt mốc 100.000 bản. Đầu tiên là cuốn Trên đường băng của tác giả Tony buổi sáng, xuất bản lần đầu năm 2015, đến nay tái bản 16 lần với tổng số bản đạt 310.088 bản. Thứ hai là cuốn Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, in lần đầu năm 2005, tái bản 40 lần với tổng số bản in đạt 158.274 bản. Đặc biệt, toàn bộ 10 tác phẩm còn lại đều của tác giả duy nhất là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gồm: Ngày xưa có một chuyện tình (100.123 bản), Ngồi khóc trên cây (101.012 bản), Chúc một ngày tốt lành (103.027 bản), Mắt biếc (108.204 bản), Có hai con mèo nằm trên cửa sổ (118.020 bản), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (123.154 bản), Cô gái đến từ hôm qua (134.256 bản), Tôi là Bê tô (148.915 bản), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (249.123 bản), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (351.157 bản).
Trước “Giải thưởng sách bán chạy nhất” của NXB Trẻ, một số đơn vị cũng có giải trao cho các tác phẩm có doanh số cao như Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa) hay Công ty Sách Phương Nam nhưng dưới các hình thức khác, như “Giải sách được bạn đọc yêu thích” (Fahasa) hay “Sách ăn khách nhất” (Phương Nam), chủ yếu mang tính khuyến khích, tôn vinh, không mang nhiều giá trị vật chất. Cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có một giải, danh hiệu sách bán chạy nhất mang tính thống nhất, tất cả danh hiệu sách bán chạy nhất đều do các đơn vị phát hành tự thống kê, công bố và hoàn toàn độc lập. Tại các nước, danh hiệu “sách bán chạy nhất” (best seller) khá quen thuộc và phổ biến. Danh hiệu này không đồng nghĩa với giá trị nghệ thuật của sách, nhưng là thông tin quan trọng cho thấy sự quan tâm, chú ý của bạn đọc đối với một tác phẩm cụ thể nào đó. Từ đó giúp bạn đọc có sự lựa chọn, giới nghiên cứu phê bình có cơ sở để phân tích thực trạng sáng tác, nhu cầu đọc của bạn đọc và giới xuất bản có điều kiện để đầu tư cho các tác phẩm mới. Best seller tồn tại song song với các giải thưởng sách như một kênh đối chiếu. Một bên là phản ánh thị trường và một bên là giá trị nghệ thuật, không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau, tạo sự đa dạng trong việc lựa chọn của bạn đọc.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh các giải thưởng văn học đang gặp nhiều khó khăn về tổ chức, nhu cầu có một kênh đánh giá theo dạng best seller đã được đề cập đến khá nhiều, nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. “Giải sách bán chạy nhất” của NXB Trẻ dù có quy mô khá hẹp, chỉ do một NXB thực hiện, nhưng với cách làm độc đáo, gây ấn tượng mạnh, đây được mong chờ sẽ là cú hích cho các mô hình đánh giá kiểu best seller khác có quy mô phổ quát hơn.