Dự án gồm 1 clip trò chuyện “Về đất Tổ nghe Xoan” và 16 bài xoan với mong muốn tạo nên một bức tranh tổng thể, đa dạng của âm nhạc Hát Xoan.
Ê kíp mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị, lan tỏa Hát Xoan ra cộng đồng, đặc biệt là trên không gian mạng để nhiều người có thể tiếp cận các bài Xoan chuẩn mực, thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu...
Bên cạnh phần chính là âm nhạc với 16 bài Xoan, phần nội dung còn có thêm một clip được gọi tên là “Về đất Tổ nghe Xoan” ghi lại cuộc trò chuyện giữa MC - biên tập viên Hoàng Chung cùng các nghệ nhân Phường Xoan Thét - đối tượng chính của dự án và nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long.
Phần hình ảnh được ekip ghi tại 4 di tích lịch sử có liên quan trực tiếp tới Hát Xoan, đó là: Miếu Lãi Lèn (Phường Xoan Phù Đức), đình Thét (Phường Xoan Thét), đình Kim Đới (Phường Xoan Kim Đới), đình An Thái (Phường Xoan An Thái). Cả 4 di tích đều thuộc địa bàn TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Phần hình được thực hiện với mục đích là hình nền minh họa, giới thiệu các di tích lịch sử liên quan trực tiếp đến hát Xoan.
Nhạc sĩ Phan Thanh Cường, người thực hiện phần thu âm cho biết, anh đã chuẩn bị toàn bộ trang thiết bị thu âm từ Hà Nội di chuyển về Phú Thọ và triển khai phòng thu dã chiến ngay tại nhà "bà trùm" Phường Xoan Thét.
“Thu âm hát Xoan cần những âm thanh mộc nhất, tạo cho khán giả cảm giác như được nghe trực tiếp các nghệ nhân hát. Đó là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện dự án này”, Phan Thanh Cường chia sẻ.
Tham gia dự án lần này là các nghệ nhân xuất sắc của Phường Xoan Thét, đồng thời cũng là của nghệ thuật Hát Xoan hiện nay, gồm: Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (trùm phường), Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngà, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhàn.
Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết và kép xoan trẻ Nguyễn Minh Trí (sinh năm 2005). Điều này cho thấy tính kế thừa và tiếp nối còn được hiện hữu tại Phường Xoan Thét.