Đến tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Về phía đơn vị đồng hành có ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng, cùng đại diện các nhà tài trợ.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Hùng |
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng dự lễ. Ảnh: Hoàng Hùng |
Tôn vinh những tấm lòng tâm huyết sự nghiệp "trồng người"
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngày 20-11 hàng năm là ngày tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”.
“Sự tôn vinh ấy thể hiện ở niềm tin của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội đối với các thầy, cô giáo. Niềm tin ấy đòi hỏi mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tham dự và phát biểu. Ảnh: Hoàng Hùng |
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, dẫu đâu đó ngoài kia còn một vài câu chuyện, mẩu tin làm nhói lòng những nhà giáo chân chính, nhưng không làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy, bởi giá trị ấy đã được hình thành từ truyền thống cao đẹp của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chúc mừng và biểu dương 50 thầy, cô giáo được vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Đồng thời, chúc mừng toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục thành phố đã và đang nỗ lực, phấn đấu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.
Theo đồng chí, thầy, cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.
Các tiết mục văn nghệ tôn vinh những tấm lòng tâm huyết với sự nghiệp "trồng người". Ảnh: Hoàng Hùng |
"Đối với các thầy, cô giáo đạt Giải thưởng Võ Trường Toản, lãnh đạo thành phố mong tiếp tục cháy hết mình với ngọn lửa đam mê, cống hiến cho nghề; là những tấm gương sáng "gạn đục khơi trong", lan tỏa lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trên bục giảng, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau tiếp bước", đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhắn nhủ.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, lãnh đạo thành phố mong muốn mỗi thầy, cô giáo tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", không ngừng trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực học tập, tiên phong trong các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế.
Cô Ngô Thị Thúy Loan, giáo viên Trường THCS Phú Thọ (quận 11) chụp ảnh cùng học sinh. Ảnh: Hoàng Hùng |
Giữ lửa nghề bằng trái tim ấm
Chia sẻ tại buổi giao lưu, cô Võ Thị Tuyết, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cho biết, giáo viên dạy trẻ khuyết tật ngoài kiến thức chuyên môn còn cần có lòng nhân ái, yêu nghề, nhẫn nại, biết thấu cảm với phụ huynh và học sinh.
“Khi làm việc với trẻ, giáo viên không thể hấp tấp hay rập khuôn, yêu cầu trẻ tiến bộ ngay lập tức, mà cần đồng hành với trẻ, làm bạn cùng phụ huynh. Trẻ phải yêu cô mới chịu hợp tác với cô. Mục đích cuối cùng của giáo viên là giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống bình thường”, cô Tuyết cho biết.
Các nhà giáo tiêu biểu giao lưu. Ảnh: Hoàng Hùng |
Dù là người khuyết tật, cô Tuyết cho biết không hề cảm thấy thiệt thòi mà thấy vui và tự hào vì những việc mình đã làm, để mở ra cánh cửa khác giúp thay đổi cuộc đời trẻ khuyết tật.
Với cô Tống Thị Hải Yến, giáo viên Trường Mầm non Hoàng Anh (huyện Bình Chánh), yêu cầu quan trọng đối với giáo viên mầm non là lòng yêu nghề, thương trẻ, chịu khó.
“Ở lớp mầm non 3-4 tuổi mà tôi đang phụ trách, các con thường làm theo sở thích riêng, số lượng học sinh trong lớp đông, áp lực từ gia đình, nhà trường, xã hội đặt lên vai giáo viên. Vì thế, cô giáo phải biết nhẫn nại, dùng tất cả tình yêu thương của mình để chăm sóc, giáo dục trẻ”, cô Hải Yến bày tỏ.
Ngoài yêu cầu về đạo đức nhà giáo, theo cô Hải Yến, giáo viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng sư phạm để thực hiện tốt công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tặng bằng khen cho cán bộ, giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Ảnh: Hoàng Hùng |
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu tặng bằng khen cho cán bộ, giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Ảnh: Hoàng Hùng |
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng tặng bằng khen cho cán bộ, giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Ảnh: Hoàng Hùng |
Riêng với cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), để hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên và nhà trường phải có các giải pháp để cá nhân hóa hoạt động học và rèn luyện cho học sinh.
“Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đó, chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học cũng như các hoạt động giáo dục khác nhằm giúp học sinh hình thành thói quen tự học, học theo hướng dẫn hiệu quả, trở thành người công dân của thành phố học tập với ý thức học tập suốt đời”, cô Đẹp cho biết.
50 cán bộ, giáo viên được tôn vinh Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 chụp ảnh lưu niệm |
Dịp này, UBND TPHCM đã tặng Cờ thi đua cho 17 tập thể có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bằng khen cho 50 cán bộ, giáo viên tiêu biểu được tôn vinh Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.