Với chủ đề "Hạnh phúc", chương trình Thay lời tri ân năm 2020 sẽ đưa khán giả “chạm” vào những “màu hạnh phúc” giản dị, mộc mạc và đầy tính nhân văn của các thầy cô giáo. Đây là sự kiện được tổ chức trong chuỗi sự kiện trọng đại nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay. Chương trình nhằm tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã và đang thầm lặng vượt khó, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp trồng người của nước nhà.
Chương trình Thay lời tri ân năm 2020 sẽ đưa khán giả đi tới mọi miền tổ quốc qua những câu chuyện giản dị nhưng đầy sức lan tỏa và lay động. Đó là câu chuyện giáo viên cắm bản vượt lũ ở Quảng Bình. Đó là sáng kiến tự gây quỹ nấu cơm trưa giữ học sinh ở lại lớp của thầy cô ở vùng sâu vùng xa Kon Tum; hạnh phúc đơn giản khi dạy các em học sinh “cá biệt” nên người của người thầy ở Hà Nội... Bên cạnh các phóng sự, các nhân vật là các thầy cô giáo với những câu chuyện thực tế sẽ xuất hiện trực tiếp tại trường quay chương trình và giao lưu với khán giả.
* Cũng trong ngày 15-11, Chương trình tôn vinh 183 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước cũng đã diễn ra tại Hà Nội. Tại Chương trình, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức nhấn mạnh, 183 nhà giáo được tôn vinh lần này là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cho sự tận tụy, tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục. 183 nhà giáo được tôn vinh sau khi đã được lựa chọn, giới thiệu từ 63 tỉnh, thành phố và các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD-ĐT. Đây là hoạt động thường niên được Bộ GD-ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đóng góp rất quan trọng để toàn ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt với đất nước, trong đó có ngành giáo dục. Dịch bệnh Covid-19, mưa lũ ở miền Trung khiến toàn ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, sự nỗ lực của các thầy cô giáo, ngành giáo dục vẫn đạt được những kết quả quan trọng và được ghi nhận. Bộ trưởng mong 183 thầy cô tiêu biểu được tuyên dương lần này sẽ là những người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp của mình.
Toàn ngành có hơn một triệu nhà giáo và gần 23 triệu học sinh, sinh viên và người học. Nghề dạy học và các thầy giáo, cô giáo ngày càng được xã hội quan tâm, coi trọng và tôn vinh.
183 thầy, cô giáo và cán bộ quản lý được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen. Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tặng quà cho các nhà giáo.
Nhân dịp này, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt thân mật với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc năm 2020.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi đến các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các thế hệ thầy, cô giáo trên mọi miền Tổ quốc những tình cảm trân trọng, lời biết ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chủ tịch Quốc hội khẳng định truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và càng được tô đậm vào mỗi dịp 20-11.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong hoạt động Quốc hội, giáo dục luôn là vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước với nhiều vấn đề tiếp tục cần triển khai thực hiện và phải thường xuyên, liên tục đổi mới.
“Chúng ta đừng thấy bất cập nào đó, một sai sót nào đó chưa được để phủ nhận hết tất cả những thành quả, công lao của thầy cô giáo, của ngành giáo dục trong suốt thời gian qua” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.