Theo hãng tin Bakhtar của Afghanistan, các cơ sở y tế công ở các tỉnh Kapisa, Parwan, Panjshir, Wardak, Ghazni, Paktika, Logar, Khost, Badakhshan, Paktia và Bamyan đã bắt đầu tiếp nhận phụ nữ tốt nghiệp lớp 12 trở lên vào làm việc.
Từ tháng 8-2021, sau khi trở lại nắm quyền tại Afghanistan, Taliban đã áp đặt nhiều quy định, cấm các bé gái trên 6 tuổi đến trường, cấm phụ nữ làm việc và tiếp cận giáo dục đại học, đặc biệt là nghiêm cấm học y khoa và hành nghề y. Theo tờ Al-Jazeera, hơn 3.000 phụ nữ đã tốt nghiệp các trường y đã bị cấm tham gia các kỳ thi hội đồng bắt buộc để hành nghề. Các lệnh cấm trẻ em gái, phụ nữ tham gia vào công việc và giáo dục đã gây ra tổn thất kinh tế - xã hội đáng kể, làm ảnh hưởng tới quan hệ của Afghanistan với cộng đồng quốc tế, cản trở dòng viện trợ quan trọng cho quốc gia này, làm tăng đói nghèo và hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Theo một nghiên cứu năm 2023 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), 2/3 dân số Afghanistan (28,3 triệu người) đang cần hỗ trợ khẩn cấp. Trong 2 năm kể từ khi nền cộng hòa sụp đổ, có thêm khoảng 10 triệu người rơi vào tình trạng này. Sau khi Taliban tiếp quản chính quyền, Afghanistanđã mất hàng tỷ USD viện trợ và đầu tư nước ngoài. UNDP cũng đã chứng minh rằng nền kinh tế Afghanistan dự kiến sẽ xấu đi và tình trạng nghèo đói cùng cực sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ nếu viện trợ nước ngoài giảm.
Cấm phụ nữ làm việc cũng cản trở sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong hai thập kỷ qua, phụ nữ đã đóng những vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh phát triển kinh tế của Afghanistan như tích cực tham gia chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ sữa và chế biến cây trồng. Phụ nữ đóng góp vào loạt sản phẩm xuất khẩu như thảm, thuộc da, len… Phụ nữ Afghanistan đã thành lập và điều hành thành công khoảng 57.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn và trung hạn, do những chính sách cấm tiêu cực, tình trạng nghèo đói sẽ gia tăng và tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước sẽ trở nên trầm trọng hơn, để lại những hậu quả nặng nề cho thế hệ tương lai. Do vậy, tôn trọng quyền của phụ nữ và bãi bỏ lệnh cấm làm việc vẫn là điều cần thiết.