Tôn tạo di tích văn hóa ở Đồng Nai: Thủ tục nhiêu khê

 Thủ tục hành chính và cơ chế thẩm định rườm rà, làm cho kế hoạch trùng tu, tôn tạo danh thắng ở Đồng Nai luôn gặp phải sự nhiêu khê.
Đồng Nai là một tỉnh có nhiều di tích, danh thắng văn hóa (DT) nên trong những năm qua, công tác bảo tồn đã được địa phương quan tâm, dành kinh phí để bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp. Thế nhưng, vấn đề mà địa phương quan tâm, lo lắng lại là thủ tục hành chính và cơ chế thẩm định rườm rà, làm cho kế hoạch trùng tu, tôn tạo danh thắng ở đây luôn gặp phải sự nhiêu khê.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Theo số liệu của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 DT phổ thông và 55 DT đã được xếp hạng cấp quốc gia. Trong đó có nhiều DT được nhiều người biết như Di tích Cát Tiên, Thành cổ Biên Hòa, Mộ Cự thạch Hàng Gòn, đình An Hòa, Đền thờ thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lao Tân Hiệp… đã được quan tâm đầu tư từ ngân sách trung ương và địa phương.
Điển hình là dự án trùng tu, tôn tạo DT Thành cổ Biên Hòa có tổng kinh phí lên đến 41 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, đến giữa tháng 7-2017 cơ bản đã xong giai đoạn 1 với các hạng mục như: tôn tạo nhà cổ phía Đông, phía Tây, tường thành, lô cốt, sân, đường nội bộ, chống sét, nhà vệ sinh. Giai đoạn 2 sẽ tôn tạo tường thành hướng Đông Nam, cổng vào và hiện đang xác định kiến trúc của cổng thành và mốc lộ giới giao thông. Riêng các hạng mục như bồn hoa, cây cảnh và dịch vụ khác sẽ kêu gọi xã hội hóa.
Trong năm 2016, tỉnh cũng đã hoàn thành dự án trùng tu tôn tạo DT Nhà lao Tân Hiệp (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa) với kinh phí hơn 24 tỷ đồng, trong đó từ nguồn xã hội hóa là 3,5 tỷ đồng, số còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh. Việc hoàn thành DT này đã đáp ứng tâm nguyện của các cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại đây trong chiến tranh.
Trước đó, vào năm 2011 dự án trùng tu, tôn tạo di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn được khởi công thực hiện trên diện tích 37.120m2 với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và vốn đối ứng của tỉnh. Công trình bao gồm các hạng mục: nhà bao che (hạng mục lớn nhất trong di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn, có diện tích 46,8m x 30m), khu chế tác, miếu Ông Đá, miếu Thổ thần cùng các công trình phụ trợ khác (cổng, hàng rào, sân đường nội bộ, nhà trực ban - bán vé, nhà bao che, nhà đón tiếp - trưng bày, nhà điều hành). Mộ Cự thạch Hàng Gòn (thuộc xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh) có niên đại 2.000 năm, được một kỹ sư người Pháp phát hiện năm 1927 khi đang thi công mở đường từ Long Khánh đi Bà Rịa - Vũng Tàu (quốc lộ 56 ngày nay), năm 1928 được Trường Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng các DT lịch sử Mộ Đông Dương. Năm 1984, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Khảo cổ học cấp Quốc gia (Quyết định số 147/VH-QĐ ngày 24-12-1982) và được đánh giá là một trong 10 di tích quan trọng ở Nam bộ. Năm 2015 danh thắng này được Chính phủ công nhận là DT quốc gia đặc biệt.
Theo kế hoạch trong năm 2018, tỉnh sẽ triển khai thi công dự án mở rộng, trùng tu Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Hòa Hiệp (TP Biên Hòa) với tổng kinh phí 140 tỷ đồng.  Khuôn viên đền thờ sẽ được trùng tu, mở rộng thêm 6.000m2 lên hơn 10.000m2 để chào đón sự kiện 320 năm hình thành vùng đất Đồng Nai. Hiện dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ trình các cấp phê duyệt, trong đó sẽ bồi thường, giải tỏa hơn 30 hộ dân.  
Nỗi lo về thủ tục hành chính
Trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Đồng Nai về các khó khăn của công tác bảo tồn - trùng tu các DT thì được biết khó khăn nhất nằm ở thủ tục hành chính. Ông Lê Trí Dũng (Giám đốc Ban Quản lý Di tích - Danh thắng) cho biết, nỗi lo lớn nhất chính là các thủ tục hành chính liên quan đến công tác đền bù, thay đổi mục đích sử dụng rồi thủ tục trình các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mất rất nhiều thời gian, có cái khá rườm rà như quy định dự án có quy mô kinh phí hơn 15 tỷ đồng phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình bộ phê duyệt thường phải mất 1-2 năm cho một bộ hồ sơ và phải trình quá nhiều cấp, phải họp lấy ý kiến các sở, ngành mà thường là ý kiến khác nhau. Chính vì nỗi khổ này mà nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô đầu tư, giảm diện tích quy hoạch. 
Ví dụ như dự án tôn tạo, mở rộng lăng mộ cụ Trịnh Hoài Đức, được tỉnh giao cho UBND TP Biên Hòa làm chủ đầu tư nhưng 10 năm nay chưa thực hiện được cũng chỉ vì vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư vừa có đề nghị UBND tỉnh xin giảm diện tích và quy mô đầu tư theo hướng chỉ tôn tạo chứ không mở rộng như lúc đầu... Ngay cả dự án trọng điểm của tỉnh là mở rộng Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã 3 năm nhưng chưa giải tỏa được, phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mất nhiều thời gian. Nếu dự án này bị giậm chân tại chỗ thì khó có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra lúc ban đầu.

Tin cùng chuyên mục