Ngành hàng tôm Việt Nam đang ở vị trí số 1 tại nhiều thị trường xuất khẩu nhờ chất lượng ổn định và đa dạng về sản phẩm từ tôm đông lạnh đến chế biến, phù hợp với mọi phân khúc thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng và tôm sú xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều nước cạnh tranh tại các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Australia…
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đang thực hiện 16 hiệp định FTA thế hệ mới nên các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn rất cao. Mặc dù thị trường thuận lợi, giá cao, nhưng để giữ vị thế số 1 với các đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp nên tập trung vào năng suất và chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến xuất khẩu.
Chiều 10-12, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) đồng tổ chức Hội thảo: “Phát triển bền vững quế Việt Nam”.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Hiện cả nước đang trồng hơn 150.000ha quế, là sinh kế của hàng trăm ngàn hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2016 đến nay, giá quế thế giới tăng cao do nhu cầu cao. Tình trạng này có thể dẫn tới nguy cơ chuyển đổi sang trồng quế ồ ạt tại Việt Nam và dẫn tới rủi ro “trồng - chặt” nếu không có định hướng quản lý, phát triển bền vững để đưa cây quế trở thành một ngành hàng xuất khẩu tiềm năng tại Việt Nam.