Ảnh minh họa |
Chiều 31-10 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, với chủ đề: “Đồng hành cùng ngành thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP thông tin, sau nhiều tháng xuất khẩu thủy sản liên tục khó khăn, kim ngạch giảm sâu, thì khoảng 1-2 tháng nay, mức độ sụt giảm đã rút ngắn, thu hẹp lại.
Ông Nguyễn Hoài Nam dẫn chứng, trong nhiều tháng liền, giá trị xuất khẩu thủy sản liên tục “âm” 30-40% (thậm chí xuất khẩu sang thị trường Mỹ từng giảm tới 51% hồi tháng 4-2023) thì đến nay, mức giảm chung của ngành thủy sản Việt Nam chỉ còn khoảng 22%.
Đại diện VASEP cho rằng, so với mức giảm lên tới 27% vào hồi đỉnh dịch Covid-19 thì mức giảm như hiện nay là có thể tạm chấp nhận. Sở dĩ mức giảm vẫn còn duy trì là do các mặt hàng xuất khẩu trong “câu lạc bộ tỷ đô” như tôm, cá tra - ba sa và cá ngừ đều bị giảm mạnh tại hầu hết các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, khu vực CPTPP, Trung Quốc… trong những tháng qua.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay thị trường nhập khẩu thủy sản đã bắt đầu dấu hiệu phục hồi với những tín hiệu thuận lợi cho thủy sản Việt Nam, như Nga và Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản do lo ngại xả nước thải hạt nhân ra biển; nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Đông vẫn ở mức cao (khu vực này chỉ giảm dưới 8%, so với mặt bằng chung 22% là khá nhỏ).
Nhưng bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt hàng loạt khó khăn như cạnh tranh gay gắt với thủy sản từ Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador (giá tôm xuất khẩu của các nước này hiện nay thấp hơn của Việt Nam tới 20-30%)… trong khi, EU vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, đồng thời đang đề nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam siết lại an toàn thực phẩm đối với thủy sản từ cảng cá đến quá trình thu gom và nhà máy chế biến (trong ngày 31-10, VASEP đã làm việc với Bộ NN-PTNT về vấn đề này)…
Cùng với đó, theo đại diện VASEP, ngành tôm Việt Nam hiện còn đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch. Cụ thể là dịch “hậu ấu trùng trong suốt” trên tôm. Loại dịch này đã xuất hiện cách đây 2 năm tại Trung Quốc, có nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam, trong khi chúng ta hiện chưa có phác đồ điều trị loại dịch này và nhiều loại dịch hiện hữu trên tôm nuôi đến nay vẫn chưa thể xử lý được.
Ông Nam lo ngại, nếu tình trạng dịch chồng dịch xảy ra sẽ khiến tỷ lệ tôm sống chỉ đạt mức thấp, đẩy giá thành tiếp tục cao, trong khi tôm xuất khẩu từ các thị trường như Ấn Độ, Ecuador… đang rẻ hơn tôm Việt Nam xuất khẩu tới 20-30%.