Tại cuộc họp, Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, từ chiều 24-5 đến nay đã có gần 770.000 con tôm hùm của 502 hộ dân thuộc xã Xuân Phương và phường Xuân Uyên (thị xã Sông Cầu) bị chết, với tổng trọng lượng gần 400 tấn. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng.
Qua lấy mẫu kiểm tra bước đầu, Sở NN-PTNT Phú Yên xác định, vùng nuôi tôm hùm của vịnh Xuân Đài có hàm lượng ô xy hòa tan thấp, trung bình chưa tới 2mg/l (trong khi tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản phải trên 6,2mg/l). Tại thời điểm xảy ra tôm chết, nước tại vùng nuôi có mùi hôi tanh, chuyển sang nâu một cách bất thường.
Ngoài ra, nhiệt độ trong nước cao, hàm lượng chất hữu cơ và sulfua trầm tích cao; tảo xuất hiện với mật độ dày. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính.
Người dân bán tôm hùm chết để vớt vát lại chút đỉnh
Cũng tại cuộc họp, UBND thị xã Sông Cầu xác nhận, trước thiệt hại quá lớn, những ngày qua người dân đã bức xúc, tập trung ở Công ty TNHH Nguyễn Hưng (thị xã Sông Cầu) để phản đối vì cho rằng nhà máy chế biến hải sản bên bờ vịnh Xuân Đài của công ty này đã xả thải thẳng ra vịnh, làm ô nhiễm, dẫn đến việc tôm hùm chết. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định nguyên nhân tôm hùm chết do công ty này xả thải.
Sở TN-MT Phú Yên khẳng định, qua kiếm tra phát hiện có 2 ống xả nước thải của Công ty TNHH Nguyễn Hưng ở vịnh Xuân Đài. Trong 2 ông xả này có 1 ống được cấp phép, còn 1 ống dự phòng. Thời điểm kiểm tra phát hiện hệ thống xử lý nước thải của công ty này bị sự cố, công ty đã thay đổi phương án xử lý bằng cách chở nước thải đi nơi khác.
Bán tháo tôm hùm chết
Sau khi nghe các ý kiến, chủ trì cuộc họp, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chia sẻ: Thiệt hại của người nuôi tôm hùm nơi đây là quá lớn, có thể sẽ có những hộ gia đình tái nghèo, mất khả năng tái sản xuất. Khả năng của tỉnh không đủ để xác định nguyên nhân, nên sẽ có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT vào cuộc xác định nguyên nhân tôm hùm chết. Đồng thời có văn bản kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.