VFF nhiệm kỳ 8 sắp kết thúc đã đạt được những thành công “vô tiền khoáng hậu” trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của bóng đá Việt Nam trên mọi phương diện.
Chỉ trong vòng 4 năm, VFF đã làm được rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ như 2 đội tuyển futsal và bóng đá nữ dự vòng chung kết World Cup, đội tuyển bóng đá nam vào đến vòng loại cuối cùng của World Cup, bán được bản quyền truyền hình và tạo doanh thu vượt xa kỳ vọng. Các đội tuyển trẻ của Việt Nam đều liên tục giành quyền dự vòng chung kết châu lục, tạo ra tiền đề quan trọng cho khát vọng dự World Cup trong tương lai gần.
Dù còn nhiều điểm chưa được khắc phục nhưng giải vô địch quốc gia V-League cũng đã có nhiều màu sắc mới mẻ, có thêm một số nhà đầu tư, CLB mới. Và quan trọng hơn, dù phải trải qua 2 năm chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng con tàu bóng đá Việt vẫn lăn bánh về phía trước với nhiều chỉ số phát triển tốt nhất lịch sử. Thành tựu đó là thật sự đáng trân trọng.
Nhưng điều đó cũng cho thấy các nguồn lực xã hội dành cho bóng đá Việt Nam luôn đầy tiềm năng, vấn đề là một cơ quan quản lý như VFF có khai thác được không bằng chính tầm nhìn, tham vọng cũng như năng lực của mình. VFF nhiệm kỳ vừa qua được đánh giá là đoàn kết, làm việc hiệu quả, có tính chuyên biệt cao nên kết quả gặt hái vượt xa những nhiệm kỳ trước đó.
Đơn cử như công tác đào tạo trẻ, hiện chỉ mới có khoảng 3-4 trung tâm đạt chất lượng và chỉ có 1/3 CLB chuyên nghiệp có hệ thống đào tạo nhưng bóng đá trẻ Việt Nam vẫn đều đặn “sản sinh” ra các thế hệ tài năng, thu ngắn chu kỳ từ trung bình 10 năm xuống chỉ còn vài năm. Như vậy, nếu có thêm các trung tâm, thêm số tuyến trẻ ở các CLB cũng như cải thiện hệ thống thi đấu tuổi U dài ngày hơn, bóng đá trẻ sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.
Nói như vậy cũng để thấy, mặc dù thành công vược bậc nhưng bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Các thành tích của chúng ta chỉ mới đạt được một cách ngắn hạn, không bền vững do thiếu yếu tố nền tảng. Ví dụ như bóng đá nữ vẫn chưa chuyên nghiệp trong cách vận hành và tổ chức thi đấu. Sau 20 năm phát triển của V-League, số CLB tham gia vẫn không tăng và chỉ mới vừa bán được bản quyền truyền hình một cách chính thức. Số lượng CLB cả nam lẫn nữ, bao gồm futsal hoặc các môn bãi biển, bóng đá học đường…, vẫn còn khiêm tốn so với quy mô dân số, mà cụ thể là số tổ chức thành viên chính thức của VFF hiện chỉ trên dưới 60 dù tính cả các liên đoàn địa phương và CLB chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, dòng tiền từ xã hội đổ vào cho bóng đá dường như vẫn chưa toàn diện, đa dạng cho dù các con số doanh thu đều tăng hơn so với năm trước, nhiệm kỳ trước.
Chúng ta đang nói nhiều hơn đến tham vọng World Cup của bóng đá nam và sự có mặt thường xuyên tại sự kiện này của bóng đá nữ, futsal, thế nhưng việc góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cần được nhìn nhận chỉ là kết quả cuối cùng của một quá trình. Một nền bóng đá mạnh, tự nhiên sẽ có cơ hội lớn dự World Cup. Quốc gia nào càng có tiềm lực về tài chính lẫn con người thì triển vọng giành vé dự vòng chung kết World Cup càng trở nên gần hơn. Chính vì thế, điều mà cộng đồng bóng đá chờ đợi nhiều nhất ở đại hội VFF khóa 9 là những kế hoạch rõ ràng, bài bản, chuyên nghiệp mang tầm nhìn và chiến lược có tính đột phá hơn để khai phá hết tiềm năng về con người cũng như các nguồn lực xã hội mà chính nhiệm kỳ vừa qua đã làm được.
Bóng đá Việt Nam đang có một đường băng rộng lớn, vững vàng nhờ một giai đoạn thành công từ thành tích đến tài chính. Để cất cánh bay cao hơn, điều quan trọng là tiếp tục củng cố và mở rộng đường băng ấy. Nói cách khác, việc tối ưu nguồn lực là mục tiêu cốt lõi trước khi nói về tham vọng giành vé tham dự vòng chung kết World Cup…