Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất thép đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo, thép hợp kim... Do đó, mặc dù sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng ở mức trung bình khoảng 25%, nhưng ngành thép Việt Nam vẫn phải nhập siêu rất lớn.
Nhập siêu nguyên liệu
Theo TS Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng là do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, nên có nhu cầu tiêu thụ thép cao. Tuy nhiên, do chuỗi giá trị chưa được hoàn thiện nên ngành thép Việt Nam vẫn phải nhập siêu rất lớn. Đơn cử, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 6.826.504 triệu tấn sắt thép các loại, với tổng trị giá gần 4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2016, lượng nhập khẩu sắt thép tuy có giảm 13,6%, nhưng lại tăng mạnh về trị giá với mức tăng 33,3%.
Hiện nay, chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam gồm cả 2 công nghệ của ngành thép thế giới là công nghệ lò cao BOF và lò điện EAF, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng lò điện EAF chiếm đến 70%. Vấn đề đáng chú ý hơn, sản xuất phôi dẹt (slab), HRC vẫn đang là “điểm khuyết” trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chưa sản xuất được, gần như phải nhập khẩu 100% các sản phẩm này. Năng lực sản xuất của công nghiệp thép Việt Nam được đánh giá mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước về thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu.
Để khắc phục những hạn chế của ngành thép Việt Nam, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ, Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho rằng các doanh nghiệp thép Việt Nam cần tập trung tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín. Bởi quy trình sản xuất khép kín có thể giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp quản lý được chất lượng sản phẩm ở từng khâu sản xuất chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao hiệu quả, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào.
Còn ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinBankSC, nhận định ngành thép Việt Nam tuy có quy mô không lớn, nhưng vẫn có lợi thế cạnh tranh riêng, đặc biệt là chi phí sản xuất. Ngoài ra, dư địa phát triển ngành thép tại Việt Nam vẫn còn rất lớn do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh thành phố lớn, cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh tại các vùng nông thôn. Đặc biệt, từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường bất động sản đã ấm lên, cùng với sự gia tăng các dự án xây dựng hạ tầng là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành thép.
Để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, Bộ Công thương đã có quy hoạch tổng thể phát triển ngành thép Việt Nam; trong đó, sản lượng thép sản xuất ước cần 22 - 26 triệu tấn thành phẩm, 18 triệu tấn phôi và 8 triệu tấn gang vào năm 2020. Riêng trong năm 2017, sản lượng thép thành phẩm ước tăng trưởng 12% so với năm 2016; trong đó thép xây dựng đạt sản lượng 9,6 triệu tấn, thép lá cuộn cán nguội 4,1 triệu tấn, thép ống hàn 2,3 triệu tấn, tôn mạ và sơn phủ màu 3,8 triệu tấn.
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu
Từ năm 2016 đến nay, nhờ giá thép thế giới phục hồi mạnh và Chính phủ áp thuế tự vệ tạm thời, thị trường đã chứng kiến một năm bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Tính trung bình trong năm 2016, các doanh nghiệp ngành thép đã tăng trưởng doanh thu 14,34% và lợi nhuận 81,65%. Còn tính chung 5 tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được 1.667.679 tấn sắt thép các loại, trị giá thu về 1.114.563.136 USD, tăng 31,1% về lượng và 61,9% về trị giá.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim, việc áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá là chính sách hoàn toàn kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Đây là hành động cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có thời gian đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực để cạnh tranh tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thống kê của Hiệp hội Thép thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Do đó, việc khai thác thị trường xuất khẩu rất cần thiết để doanh nghiệp mở rộng dư địa tăng trưởng. Trong đó, hiện tại doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về một số sản phẩm thép xuất khẩu và mặt hàng thép chủ lực như tôn mạ kim loại với sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm.
Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương; đồng thời đang đàm phán một số FTA khác, vì vậy ngành thép Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng vào ngành thép thế giới. Theo cam kết về thuế quan của các FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam chỉ dao động ở mức 0,69% - 7,55% trong giai đoạn từ nay đến năm 2018 và tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, bên cạnh những cơ hội và điều kiện thuận lợi, các FTA cũng mang lại áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn, nếu doanh nghiệp không có chiến lược phát triển bền vững và chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép, để vượt qua những thách thức hội nhập kinh tế và nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Việt Nam phải không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống gồm các nước ở khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan), hiện tại doanh nghiệp thép Việt Nam đã từng bước thành công khi đưa hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Mexico...
VSA dự báo, trong 5 năm tới, ngành thép Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 12% - 15%. Nhưng muốn đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp Việt cần hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, để đối phó với sự phân hóa rõ rệt trong ngành thép, doanh nghiệp sản xuất cần có giải pháp chống - chịu rủi ro tốt hơn so với các doanh nghiệp thương mại hoặc gia công thép đơn giản.