Tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo dòng chảy hàng hóa

Việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng đã và đang giúp Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) đảm bảo dòng chảy hàng hóa trong hệ thống, đáp ứng nhu cầu hàng hóa ngày càng cao trong lĩnh vực bán lẻ.

SATRA đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa Trung tâm Thương mại Satra đường Võ Văn Kiệt, quận 6 sớm đi vào hoạt động
SATRA đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa Trung tâm Thương mại Satra đường Võ Văn Kiệt, quận 6 sớm đi vào hoạt động

Bán lẻ khởi sắc, nhu cầu hàng hóa tăng

Theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng. Qua đó làm nền tảng, tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế khởi sắc đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng của năm 2024 ước đạt 526,6 ngàn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,5%; may mặc tăng 8,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 9,7%; du lịch lữ hành tăng 7,1%...

Với đà trên, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, tình hình bán lẻ sẽ tiếp tục khả quan hơn trong những tháng còn lại của năm 2024. Tuy nhiên, khi bán lẻ tăng trưởng sẽ kéo theo khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng chủng loại và tần suất đơn hàng ở mức cao. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp bán lẻ phải đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển kho bãi lưu trữ hàng hóa, đẩy mạnh dịch vụ logistics để đáp ứng về chất lượng cũng như thời gian giao hàng.

Song có một thực tế là chi phí trong chuỗi cung ứng, cụ thể là chi phí logistics, nhất là với lĩnh vực bán lẻ hiện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, dao động từ 10-20%. Những chi phí này, theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa... Vì thế, chi phí này cao sẽ làm đội giá thành sản phẩm và trở thành thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp bán lẻ. Điều này cũng có nghĩa, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác kho bãi, tiết giảm chi phí đầu vào sẽ giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp.

XHH 8D.jpg
Giảm thời gian lưu kho để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng là mục tiêu hàng đầu của Trung tâm phân phối Satra. Ảnh chụp tại Satramart siêu thị Sài Gòn

Là doanh nghiệp bán lẻ đang vận hành chuỗi hơn 190 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, 3 trung tâm thương mại và 3 siêu thị tự chọn Satramart, SATRA cho biết, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng rất quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng chảy hàng hóa trong hệ thống. Do đó, đầu năm nay, Trung tâm phân phối Satra đã đưa vào sử dụng kho Bình Đường tại Bình Dương, bên cạnh việc duy trì và phát triển kho ở đường Lý Thường Kiệt…

Phát huy lợi thế kho bãi để tăng cạnh tranh

Liên quan đến kho Bình Đường, đại diện SATRA cho biết, dù tiếp nhận chưa lâu, nhưng Trung tâm phân phối Satra đã xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học và bài bản. Trung tâm đầu tư thêm hệ thống kệ và pallet, bố trí tại các vị trí phù hợp tối ưu không gian lưu trữ hàng hóa so với kho cũ.

Cụ thể, các nhóm hàng hóa được lưu trữ theo từng phân khu riêng, dựa theo đặc tính của sản phẩm, tránh ảnh hưởng chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng hạn nhóm sản phẩm gia dụng, hóa mỹ phẩm được lưu trữ tại khu riêng biệt; nhóm mì ăn liền, thực phẩm khô được lưu trữ tại vị trí cao… Khu vực 2 cửa xuất hàng sẽ được sắp xếp 56 pallet làm nơi soạn hàng trước khi xuất hàng.

SATRA còn ưu tiên tối đa hóa công suất hoạt động của kho Bình Đường ở mức cao nhất có thể, liên tục có đánh giá nhận định cũng như các phương án mới trong quá trình vận hành kho, có kế hoạch khai thác phù hợp cho các năm tiếp theo.

Ngoài ra tại đây cũng chú trọng dự trữ những nguồn hàng có giá tốt, số lượng lớn phục vụ công tác kinh doanh của các đơn vị bán lẻ, một mặt nhằm tăng doanh số, đa dạng hóa và tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt cho hệ thống. Điểm quan trọng nhất, theo SATRA, so với việc thuê ngoài thì đầu tư xây mới sẽ giúp giảm nhẹ chi phí vận hành kho năm 2024 thấp hơn năm 2023 là 4,33%.

Bên cạnh chú trọng công tác kho bãi, đẩy mạnh khâu bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cũng được SATRA chú trọng, qua đó tăng số lượng chuyến giao hàng trong ngày từ kho đến các cửa hàng SATRA nhằm giảm thời gian lưu kho sản phẩm thấp nhất có thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của kho hàng.

Theo đại diện SATRA, dự kiến đến hết năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa qua kho Bình Đường ước tăng 6% so với năm 2023. Hệ thống kho này một mặt giúp Tổng công ty không chỉ “chiều lòng” lượng khách hàng lớn tại các hệ thống phân phối của doanh nghiệp, mà còn hạn chế sự cạnh tranh từ các đối thủ, khai thác hiệu quả tiềm năng của thương mại bán lẻ trong nước.

Không chỉ vậy, hoạt động của kho Bình Đường cũng giúp hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng luôn đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm. Song song đó, doanh nghiệp cũng kêu gọi các nhà cung cấp thỏa thuận cam kết kiểm soát chất lượng hàng hóa, xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.

Tin cùng chuyên mục