Nhận xét về hai tác phẩm được mình chuyển ngữ, Giáo sư Kato Sakae cho biết: “Truyện Nguyễn Nhật Ánh thường viết về các khía cạnh đa dạng trong đời sống hằng ngày của trẻ em. Điểm nổi bật trong truyện của ông là tính cách nhân vật được kết hợp với các chi tiết độc đáo. Sau khi gấp sách lại, các chi tiết này vẫn hiện ra trong đầu óc người đọc một cách đậm nét và sinh động. Ví dụ như hình ảnh tách vỏ quả thị thành hình bông hoa dán lên bàn hoặc lên vách nhà của Ngạn và Hà Lan trong Mắt biếc hay những trò nghịch ngợm khó lường của hai thằng nhóc Chửng anh và Chửng em trong Đi qua hoa cúc. Cũng như vậy, trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có khá nhiều chi tiết hấp dẫn và khó quên như đoạn chú Đàn kể chuyện ma khiến hai anh em Thiều, Tường hoảng sợ; đoạn Tường làm “chim xanh” cho chú Đàn; đoạn Thiều ăn trộm táo của ông Xung hay đoạn gánh xiếc mô tô bay về làng biểu diễn dẫn đến câu chuyện thương tâm của cha con ông Tám Tàng…".
Giáo sư Kato Sakae cũng chia sẻ thêm: Hiện nay, các rạp chiếu phim tại Nhật Bản đang trình chiếu bộ phim cùng tên của truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
"Tôi hy vọng người Nhật Bản sẽ hiểu sâu sắc hơn về xã hội và văn hóa Việt Nam thông qua tác phẩm văn học thú vị lẫn bộ phim hấp dẫn này”, Giáo sư Kato Sakae nói.