Tôi tạm đủ rồi, xin nhường lại cho bà con khác

Những câu chuyện về ý thức tự giác, lòng tự trọng của công dân trong những lúc đất nước đứng trước gian nan, thử thách khiến chúng ta tự hào bao nhiêu thì cũng chính trong những ngày này, những vụ án tham nhũng của các quan chức nói trên đã không thể không khiến cho chúng ta suy nghĩ, xót xa.

Bộ đội hỗ trợ người dân huyện Ba Vì (TP Hà Nội) thu hoạch lúa ở những khu vực bị ngập lụt
Bộ đội hỗ trợ người dân huyện Ba Vì (TP Hà Nội) thu hoạch lúa ở những khu vực bị ngập lụt

Mới đây, Báo SGGP cũng như các cơ quan báo chí khác đã đưa những bản tin rất khó tin về vụ án cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre: “Quá trình điều tra, Bộ Công an đã thu giữ, tạm giữ nhiều đồ vật của bị can Lê Đức Thọ, như 1 ô tô Mercedes, 3 bộ gậy golf hiệu Honma, 134 bản chính sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm, 4 sổ đỏ, 9 điện thoại di động. Đặc biệt, cơ quan tố tụng còn thu giữ 13 đồng hồ của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Trong đó, 10 chiếc là đồng hồ đeo tay các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak - Marin, Breguet, Blancpain; 3 chiếc đồng hồ để bàn, có một chiếc hiệu Patek Philippe. Cơ quan công an cũng tìm thấy và thu giữ 97 miếng kim loại màu vàng khi khám xét chỗ ở của bị can Lê Đức Thọ. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định 97 miếng này đều là vàng, có hàm lượng trung bình 99,99%”...

Cũng trong mấy hôm nay, câu chuyện cựu Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục nhận “quà biếu” gần 25 tỷ đồng từ đối tác cung cấp giấy in sách giáo khoa khiến cộng đồng không khỏi đặt ra nghi vấn vì sao lâu nay chi phí mua sách giáo khoa luôn là gánh nặng với phụ huynh học sinh.

Thời điểm này, cả nước dồn yêu thương chia sẻ về miền Bắc, nơi hàng chục vạn đồng bào đang chịu thiệt hại của cơn bão số 3. Chúng ta cảm thấy ấm lòng không chỉ bởi hàng ngàn chuyến xe chở nhu yếu phẩm cấp thiết để kịp thời hỗ trợ đồng bào vùng lũ bị thiên tai, mà còn xúc động hơn khi được nghe chính những người tình nguyện kể về những bà con Tây Bắc chân chất. Một đồng nghiệp kể: “Trên đường vào bản Lũng Lỳ (Nguyên Bình), tôi thấy một bà cụ đang gùi măng về nhà, dáng cụ bé nhỏ, ăn mặc rách rưới, mồ hôi nhễ nhại. Tôi xuống xe, xin biếu cụ ít tiền. Cụ lắc đầu nói: “Nhà bà không bị sao, bà không lấy tiền đâu, có nước cho bà một chai là được. Tiền này con mang cho người bị thiệt hại...”. Tôi cố gắng thuyết phục bà, nhưng bà dứt khoát không lấy”.

Đâu chỉ có cụ bà miền núi chất phác và tử tế như đồng nghiệp đã chứng kiến. Có rất nhiều câu chuyện cảm động như thế trong hành trình cứu trợ. Người đi cứu trợ đến được với vùng thiên tai, nhìn tận mắt tang tóc và đổ nát thì với họ, mỗi người dân ở đó đều cần được giúp đỡ, ai cũng giống như ai. Nhưng với người dân trong bản làng, họ biết rõ ai thiệt hại nhiều hơn, ai thiệt hại ít hơn để từ đó ý thức nhận vừa đủ phần cho mình, nhường phần nhiều cho người thiệt hại nhiều hơn. Câu chuyện này khiến chúng ta nhớ lại trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, có rất nhiều hộ dân của thành phố cũng từ chối, dành phần đó cho người khác.

Những câu chuyện về ý thức tự giác, lòng tự trọng của công dân trong những lúc đất nước đứng trước gian nan, thử thách khiến chúng ta tự hào bao nhiêu thì cũng chính trong những ngày này, những vụ án tham nhũng của các quan chức nói trên đã không thể không khiến cho chúng ta suy nghĩ, xót xa. Nhìn những đồng bào nghèo khó khắp cả nước hàng năm gồng mình vượt qua thiên tai, hạn hán, dịch bệnh..., những cán bộ suy thoái, biến chất ấy đã bao giờ suy nghĩ: Tôi tạm đủ rồi, xin nhường lại cho bà con khác?

Tin cùng chuyên mục