Ngày 24-6, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách”. Hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín về các lĩnh vực xã hội, phụ nữ, bình đẳng giới; đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam đã tham dự.
Theo đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), trong những năm gần đây tình hình tội phạm xâm hại trực tiếp đến các quyền của phụ nữ và trẻ em như nhóm các tội về bạo hành, xâm hại tình dục; nhóm tội mua bán người, mua bán trẻ em… ngày càng diễn biến phức tạp. Thống kê công bố tại hội thảo cho thấy năm 2018 có tới hơn 8.000 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Theo thống kê của UN Women, 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Đối với trẻ em, năm 2018 có hơn 1.500 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Cùng với đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc và nơi công cộng gây bức xúc dư luận...
Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ, tuy nhiên vẫn là chưa đủ với các vụ việc và nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em xảy ra hiện nay. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về việc xem xét một cách kỹ lưỡng về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kết hợp với các đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước hiện nay nhằm bảo đảm không gian an toàn và hiệu quả, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em.
Tại hội thảo, cùng với việc phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em, các tác giả tập trung phân tích làm rõ không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Cụ thể: Nơi công cộng, trong gia đình và về chính sách, giải pháp can thiệp. Nhiều đại biểu đã đưa ra các đề xuất nhằm thay đổi tạo ra không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em, và cho rằng dù văn bản pháp luật tương đối đầy đủ song tính thực thi lại thấp, chế tài pháp luật kém chưa đủ sức răn đe… Sau 4 phiên thảo luận, hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp, đề xuất tâm huyết.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhận định đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu và thực hành xã hội cùng trao đổi, xây dựng một bản đồ tích hợp những không gian mà phụ nữ và trẻ em là chủ thể. Cùng với việc chỉ ra những khu vực mất an toàn và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, hội thảo góp phần xác định những nội dung cần quan tâm về xây dựng chính sách, nghiên cứu, can thiệp nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả.