Tội phạm, tệ nạn ma túy ở TPHCM: Chuyển biến tích cực

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tội phạm, tệ nạn liên quan đến ma túy ở TPHCM từ đầu năm đến nay đã chuyển có biến tích cực. So với cùng kỳ năm ngoái, số người nghiện mới, số điểm nóng mua bán - hút chích ma túy và số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến ma túy trên địa bàn TP đã giảm hơn 50%.
Tội phạm, tệ nạn ma túy ở TPHCM: Chuyển biến tích cực

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tội phạm, tệ nạn liên quan đến ma túy ở TPHCM từ đầu năm đến nay đã chuyển có biến tích cực. So với cùng kỳ năm ngoái, số người nghiện mới, số điểm nóng mua bán - hút chích ma túy và số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến ma túy trên địa bàn TP đã giảm hơn 50%.

Cảnh sát giao thông và Cảnh sát cơ động Công an TPHCM phối hợp kiểm tra một trường hợp nghi vấn tàng trữ ma túy trên quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Tín hiệu vui

Chạng vạng tối nhưng trên cầu vượt đi bộ bắc qua kênh Tàu Hũ nối phường 14 (quận 8) và phường 7 (quận 6) vẫn có rất nhiều người bán vé số, nữ công nhân qua lại; ở phía dưới chân cầu, rất đông trẻ em vô tư chơi đùa. Đi vào “ngã tư quốc tế” trong phường 14 (quận 8), chúng tôi thấy dân sống trong hẻm bình thản khi gặp người lạ, không dè dặt, lén lút dòm ngó... Nhìn những hình ảnh trên, ít ai có thể hình dung được 3 năm trước, 2 địa điểm này là điểm nóng ma túy, cả ngày lẫn đêm luôn có rất đông con nghiện vật vờ hút chích - xin đểu, “bạn hàng” liên tục phóng xe ra vào giao dịch “hàng cấm”…

Lãnh đạo một số địa phương có điểm nóng ma túy trước đây cho biết: Có được chuyển biến trên là nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của người dân trong việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn, phòng chống tệ nạn, tội phạm ma túy mang tính sáng tạo, đột phá. Gò Vấp là một địa phương điển hình. “Không nhức nhối như “ngã tư quốc tế” (quận 8), lộ thiên như ngã tư An Sương (huyện Hóc Môn) nhưng đường Tân Sơn (phường 12, quận Gò Vấp) 3 năm trước cũng là một điểm nóng mua bán, hút chích ma túy khó triệt. Đa số các đối tượng đến mua bán, sử dụng ma túy đều là người vãng lai nên việc theo dõi, bắt giữ rất gian nan. Trong cái khó ló cái khôn, từ năm 2013, công an phường đã sáng tạo và mạnh dạn triển khai mô hình camera phòng chống tội phạm với hàng trăm “mắt thần” theo dõi từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của người dân, mô hình này đã góp phần giúp lực lượng công an phá được nhiều chuyên án lớn về ma túy dọc đường Tân Sơn”, trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an phường 12, quận Gò Vấp chia sẻ.

Cùng với mô hình “Camera phòng chống tội phạm”, các mô hình “Tuần tra 24/24” của phường 2 (quận 8), “Xe loa tuyên truyền” ở quận Bình Tân, “Tổ dân phố tự quản” ở quận 4... cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ người dân, góp phần xóa sổ hàng loạt điểm đen trên địa bàn TP. Giải pháp gom người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội của TP đã tạo được bước đột phá trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy. Theo Sở LĐTB-XH TP, con số hơn 3.000 người nghiện ma túy không có nơi cư trú được đưa vào cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc; khoảng 2.000 trường hợp được TAND các quận, huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ tháng12-2014 đến tháng 6-2015 không chỉ làm hạn chế số người nghiện phát sinh, việc cai nghiện dần hiệu quả hơn, mà còn góp phần làm số vụ phạm pháp hình sự giảm đáng kể.

Cần tính bền vững trong giải pháp

Công an TPHCM cho biết tính từ tháng 12-2014 đến nay, TP kéo giảm khoảng 500 vụ (20%) so với thời điểm liền kề. Đặc biệt, án xâm phạm sở hữu tài sản, án xảy ra nơi công cộng giảm, tình trạng sử dụng ma túy tại nơi công cộng cũng giảm rõ rệt, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP. Tuy nhiên, tại một diễn đàn bàn về giải pháp phòng chống ma túy mới đây ở TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng, tuy công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ở TP gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tính bền vững trong các giải pháp vẫn chưa cao.

Một cán bộ Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy - Công an quận 12 lấy ví dụ về công tác phối hợp truy quét điểm nóng mua bán, hút chích ở địa bàn giáp ranh khu vực An Sương. Khi TP mở chiến dịch cao điểm ra quân truy quét, gom người nghiện lang thang, không nơi cư trú vào cơ sở xã hội, truy bắt các đối tượng mua bán ma túy, gần như công an, ngành chức năng của các địa phương giáp ranh đều thực hiện tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian, một số địa phương lại bỏ trống địa bàn, ỷ lại hoặc đùn đẩy cho địa phương bên kia xử lý. “Việc này đã tồn tại nhiều năm nhưng gần như chưa có địa phương nào bị xử lý và đã tạo tiền lệ xấu, kéo theo các địa phương còn lại cũng làm theo, dẫn đến tính hiệu quả lâu dài trong giải pháp không có. Điều này cũng lý giải vì sao đã có nhiều mô hình, giải pháp để xử lý triệt để điểm nóng ma túy An Sương nhưng đến nay nó vẫn chưa bị xóa sổ hẳn”, vị cán bộ điều tra cho biết.

Phòng Tham mưu - Công an TPHCM cho biết, số lượng ma túy tổng hợp từ nước ngoài tràn vào ngày càng tăng lên. số người nghiện ma túy đá cũng “nhảy vọt”. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác tổ chức thu gom, cai nghiện cho các đối tượng nghiện loại ma túy này vẫn chưa được chú trọng.

PHẠM MINH

Tin cùng chuyên mục