Công an TPHCM cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình lừa đảo trên không gian mạng diễn biến ngày càng tinh vi. Các đối tượng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy vào thời điểm, ứng dụng những công nghệ mới nhất. Dù các cơ quan chức năng đã chủ động tuyên truyền, thế nhưng nhiều người dân vẫn bị “sập bẫy” dẫn tới mất tài sản rất lớn. Chủ yếu các hành vi mà nhóm đối tượng lừa đảo thường sử dụng là: mạo danh về xác thực sinh trắc học; kích hoạt dịch vụ công trực tuyến; bình chọn ca sĩ; treo thẻ lạ chứa mã QR trên xe, trước nhà dân…
Mới đây, bà T. (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) bị đối tượng thông qua mạng xã hội Telegram làm quen giới thiệu việc làm và dẫn dụ lừa đảo tinh vi. Đối tượng yêu cầu bà T. nghe các bài hát được chỉ định, đăng nhập, bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ. Bà T. phải chụp màn hình và gửi lại thông tin cho đối tượng. Mỗi lượt bình chọn, bà T. sẽ nhận được 35.000 đồng.
Thấy việc kiếm tiền khá dễ dàng nên bà T. đồng ý. Sau đó, bà T. được đối tượng gửi đường link truy cập vào ứng dụng Zing mp3 giả mạo. Sau đó, bà T. đã 19 lần tham gia bình chọn, đặt cọc 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Khi bà T. cần rút tiền, đối tượng đưa ra nhiều lý do nhằm trì hoãn thủ tục rút tiền của bà.
Thấy nghi vấn bà T. tới công an trình báo. Hay một trường hợp khác là bà L.H.T. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đang ở nhà thì nhận cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là công an. Qua trò chuyện, người này nói tài khoản định danh của bà bị lỗi, yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công trực tuyến qua đường link đối tượng cung cấp. Bà T. tin tưởng cài đặt, truy cập đường link. Sau đó, bà phát hiện tài khoản ngân hàng của mình mất hơn 1,2 tỷ đồng. Mới đây, có thêm một thủ đoạn khác là đối tượng treo thẻ lạ có chứa mã QR lên xe, trước cửa nhà dân.
Công an xác định, khi người dân quét mã QR bằng điện thoại thì thiết bị sẽ bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển; đối tượng lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân…