Tội phạm lừa đảo nhắm vào người cao tuổi, phụ nữ

Theo Công an TPHCM, tình hình lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi và tội phạm đang thay đổi phương thức, thủ đoạn, nhắm vào người ít có điều kiện tiếp xúc với báo chí, thông tin trên mạng xã hội như: phụ nữ, người cao tuổi về hưu, nội trợ gia đình...

Gần đây nở rộ thủ đoạn lừa đảo cài đặt xác thực sinh trắc học. Ảnh: CHÍ THẠCH
Gần đây nở rộ thủ đoạn lừa đảo cài đặt xác thực sinh trắc học. Ảnh: CHÍ THẠCH

Nở rộ thủ đoạn lừa đảo "siêu" tinh vi

Ngày 9-7, Công an TPHCM cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay tình hình lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Các đối tượng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy vào thời điểm, ứng dụng những công nghệ mới nhất.

Dù các cơ quan chức năng đã chủ động tuyên truyền thế nhưng nhiều người dân vẫn bị “sập bẫy” dẫn tới mất số tài sản rất lớn. Chủ yếu các hành vi mà nhóm đối tượng lừa đảo thường sử dụng là: mạo danh về xác thực sinh trắc học; kích hoạt dịch vụ công trực tuyến; bình chọn ca sĩ; treo thẻ “lạ” chứa mã QR ở xe, nhà dân…

Mới đây, bà T. bị đối tượng thông qua mạng xã hội Telegram làm quen giới thiệu việc làm. Cụ thể, đối tượng yêu cầu bà T. nghe các bài hát được chỉ định, đăng nhập, bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ. Bà T. phải chụp màn hình và gửi lại thông tin cho đối tượng.

Mỗi lượt bình chọn bà T. sẽ nhận được 35.000 đồng. Do đang rảnh và thấy việc kiếm tiền dễ dàng nên bà T. đồng ý. Sau đó, bà T. được đối tượng gửi link truy cập vào ứng dụng Zing mp3 giả mạo.

Sau đó, bà T. đã 19 lần tham gia bình chọn, đặt cọc 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Khi bà T. cần rút tiền, đối tượng đưa ra nhiều lý do nhằm trì hoãn thủ tục rút tiền của bà. Thấy nghi vấn bà T. tới công an trình báo.

21394dc16ab8c8e691a9.jpg
Tội phạm hiện nay luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, ứng dụng công nghệ để thích nghi lừa đảo

Hay một trường hợp khác là bà L.H.T. đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là công an. Qua trò chuyện, người "công an" này nói tài khoản định danh của bà bị lỗi, yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công trực tuyến qua đường link đối tượng cung cấp. Bà T. tin tưởng nên cài đặt, truy cập đường link. Ít phút sau, bà phát hiện tài khoản ngân hàng của mình mất hơn 1,2 tỷ đồng.

Mới đây, có thêm một thủ đoạn khác là một số đối tượng treo các thẻ lạ có chứa mã QR lên xe, cửa nhà dân. Công an xác định, khi người dân quét mã QR bằng điện thoại thì thiết bị sẽ bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển; đối tượng lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân…

49aafdb8229780c9d986.jpg
Người dân nên cảnh giác thẻ lạ chứa mã QR trên xe, cửa nhà

Người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo

Phần lớn, tội phạm lừa đảo hiện nay qua các vụ việc có một điểm chung là đều nhắm vào người ít có điều kiện tiếp xúc với báo chí, thông tin trên mạng xã hội như: phụ nữ, người cao tuổi về hưu, nội trợ gia đình… Đây cũng là những người ít có khả năng đề phòng.

Trước những thủ đoạn trên, công an đề nghị người dân cảnh giác trước những lời mời gọi, dụ dỗ tham gia công việc kiếm tiền tại nhà; tuyệt đối không cài đặt phần mềm, truy cập vào đường link lạ; cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt;...

Đồng thời, tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc hoặc phí khi chưa xác minh được danh tính đối tượng. Khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại đoạn hội thoại, thông tin đối tượng rồi báo công an nhằm truy vết, kịp thời ngăn chặn.

Ngoài ra, khi quét mã QR, đặc biệt là các mã QR được dán, chia sẻ ở nơi công cộng, gửi qua mạng, thư điện tử... cần xác minh kỹ thông tin giao dịch mới thực hiện các bước chuyển tiền trực tuyến. Nếu quét mã QR có đưa tới đường link lạ, người dân cần phải kiểm tra kỹ đường link này có bắt đầu với https và tên miền hay không, sau đó mới thực hiện thao tác tiếp theo.

Hay khi được thông báo liên quan tới việc sử dụng phần mềm dịch vụ công, người dân nên sử dụng ứng dụng được tải từ nguồn chính thống; hoặc tới cơ quan chức năng để được tư vấn, hướng dẫn sử dụng.

Người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội… và phải xác thực 2 yếu tố, sử dụng phương thức bảo vệ khác cho các loại tài khoản đang sử dụng. Các cơ quan, tổ chức cung cấp mã QR cần trong hoạt động thanh toán, cung cấp thông tin cần tuyên truyền đến người dùng về thủ đoạn lừa đảo, cảnh báo đến khách hàng; đưa ra giải pháp xác minh giao dịch có dấu hiệu bất thường; kiểm tra mã QR được dán tại địa điểm cung cấp.

Tin cùng chuyên mục