Tinh thần, ý chí là điểm mạnh của những người lính - VĐV như Hoàng Xuân Vinh, Vũ Văn Huyện, Nguyễn Văn Lai... thể hiện trong các cuộc tranh tài vì danh tiếng của thể thao quân đội nói riêng và Việt Nam nói chung. Kiêu hãnh vung tay chào dưới lá Quốc kỳ và trong tiếng Quốc ca hùng tráng, họ càng đáng trân trọng trên bục cao vinh quang thể thao…
1. Hoàng Xuân Vinh là sĩ quan cấp tá, nhưng chưa bao giờ xạ thủ này coi mình là cấp trên của những đồng đội cùng quân ngũ ở đội tuyển bắn súng Việt Nam. Chất lính thì đương nhiên phải có, tức là kỷ luật thép trong tập luyện, bản lĩnh kiên cường trong thi đấu và điềm tĩnh để đối chọi với tình huống khó khăn nhất.
26 tuổi mới bắt đầu sự nghiệp bắn súng, như thế là rất muộn nhưng Xuân Vinh lại trở thành xạ thủ Việt Nam đầu tiên giành quyền tham dự Olympic bằng tấm vé chính thức. Olympic London 2012 suýt chút nữa ghi dấu chiến công của người lính-VĐV Hoàng Xuân Vinh, khi anh trượt tấm HCĐ chỉ vì thua đối thủ Trung Quốc đúng 0,1 điểm ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Một năm sau, Xuân Vinh đã xuất sắc vượt qua đối thủ này 0,7 điểm ngay ở Giải Vô địch thế giới 2013 để đoạt tấm HCV danh giá.
Song, Xuân Vinh không cho đấy là “cuộc trả thù ngọt ngào” giống như giới truyền thông châu Á ca tụng, mà đơn giản hơn theo cách “hãy chiến thắng bản thân mình trước, bạn sẽ là người chiến thắng”. Tính cách khiêm nhường đã làm nên một người lính - VĐV thành công ở mọi mặt trận của Hoàng Xuân Vinh. Đội tuyển bắn súng Việt Nam luôn cần những xạ thủ đặc biệt như thế để sánh bước cùng bạn bè thế giới trên vũ đài thể thao…
2. Khóe mắt của nhiều người Việt Nam đứng trên khán đài SVĐ Aoti (Quảng Châu) đã rưng rưng trong giây phút Vũ Văn Huyện ưỡn ngực, chào kiểu của lính và đón tấm HCĐ 10 môn phối hợp của Asian Games 2010. Đấy là tấm huy chương lịch sử trong một cuộc tranh tài mà điền kinh Việt Nam đã liên tiếp viết nên những câu chuyện lịch sử nhờ Huyện, nhờ Vũ Thị Hương và nhờ Trương Thanh Hằng.
Điền kinh Việt Nam đã lật sang một trang mới đầy kiêu hãnh, trước ánh mắt nể trọng của bạn bè châu Á. Đối với một người lính như Huyện, đó luôn là kỷ niệm đẹp, có lẽ là đáng nhớ nhất trong sự nghiệp VĐV của mình. Khổ luyện nội dung gian truân nhất của điền kinh (10 môn phối hợp), rốt cuộc Huyện cũng chứng minh được rằng ý chí vươn lên và sự kiên trì đeo đuổi mục đích sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Ba năm trước, Huyện chỉ đoạt HCĐ châu lục, nhưng trong ánh mắt của nhiều người, đấy là tấm HCV của ý chí.
10 môn phối hợp luôn là thách thức không dễ vượt qua đối với đa phần VĐV, càng khó có cơ hội tranh đoạt thành tích ở những sân chơi tầm cỡ Asian Games, Olympic. Nhưng Huyện đã làm được, dù đứng trên bục cao, thân hình Huyện nhỏ bé hơn hẳn trước các đồng nghiệp Kazakhstan, Iran…
Trong giới điền kinh, Vũ Văn Huyện chính là tấm gương để nhiều đồng nghiệp khác phải phấn đấu cho bằng. Người ta gọi anh là “người không phổi”, “tinh thần thép” suy cho cùng cũng chỉ nhằm tôn vinh giá trị thể thao mà người lính này theo đuổi trọn sự nghiệp VĐV. Chẳng rườm rà, Vũ Văn Huyện nói: “Cứ gọi tôi đơn giản chỉ là một người lính”…
3. Thượng úy Nguyễn Văn Lai - nhà vô địch các cự ly 5.000m và 10.000m của SEA Games 27 - trước khi trở thành một VĐV, từng xuất thân từ một… anh nuôi ở Quân đoàn 1. Đấy là điều bất ngờ thú vị khi Lai bật mí về ngày đầu nhập ngũ của mình. Chàng trai Thanh Hóa đến với thể thao cũng tình cờ, nhờ vào sức vóc của con nhà nông chính hiệu trong các cuộc thi vác súng chạy vũ trang 3.000m.
Lai được phát hiện, được bồi dưỡng và trở thành VĐV chạy các cự ly dài. Hơn 10 năm qua, Nguyễn Văn Lai đã phấn đấu, đã nuôi dưỡng ý chí trở thành nhà vô địch Đông Nam Á, để trên đường chạy điền kinh Myanmar 2013, anh đã thành công với 2 tấm HCV lịch sử. Gọi đấy là lịch sử, bởi lẽ chưa bao giờ các cự ly 5.000m hay 10.000m nam là thế mạnh của điền kinh Việt Nam ở đấu trường khu vực.
Cái chất mộc mạc và dễ gần của một người lính như Nguyễn Văn Lai nếu soi rọi cho kỹ lại ẩn chứa một tinh thần cứng cỏi, một ý chí phấn đấu không ngừng - những điều mà mọi nhà thể thao đều vươn tới trong sự nghiệp…
LÊ HÙNG