Gần đây thấy thị trường chứng khoán sốt quá, đâu đâu ai cũng mua cổ phiếu và nhiều người cho rằng “dễ chơi” nhất là đi đấu giá mua cổ phần của các công ty mới phát hành ra ngoài. Dễ bởi vì nếu mua được giá rẻ thì lời nhiều, còn mua giá cao thì cứ bán quyền lại cho người khác muốn mua, chẳng lỗ đi đâu được…
Đợt đấu giá tôi tham gia là mua cổ phần Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi) với khối lượng đăng ký mua là 30.000 cổ phiếu (tương đương 300 triệu đồng mệnh giá), trong đó hầu hết là vốn ủy thác của bà con, bạn bè tin tưởng nhờ đi bỏ thầu giùm. Đến Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) để làm phiếu đăng ký và nộp tiền cọc 33 triệu đồng, tôi phải chen lấn cả buổi trời tại cái quầy giao dịch nhận tiền của SSI “bé như 2 cái lỗ mũi” mà mấy chục người chen chúc quanh đó, nào là để nộp và rút tiền từ danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết, nào là nộp tiền cọc đấu giá của 2-3 đơn vị khác nhau.
Thật chẳng thấy bóng dáng của một công ty cổ phần có quy mô vốn hóa thị trường trên 10.000 tỷ đồng... Vã mồ hôi gần cả tiếng, cuối cùng cũng lấy được tờ biên nhận nộp cọc, nhưng lại đến công đoạn mới: xếp hàng chờ... photo CMND, biên nhận cọc và cả mẫu đăng ký đấu giá, trong khi tại đây chỉ có 1 máy photocopy duy nhất đang bị hư lên hư xuống!!! Ô là la… cực thật, nhưng đã “chơi” là phải chịu, qua được hết các ải, giờ chỉ còn... chờ 4 ngày sau đi chen lấn thêm lần cuối là có thể nhận phiếu tham dự đấu giá.
Đấu giá thì phải phân tích để nhắm giá cho hợp lý, vậy là tôi ngấu nghiến mấy bảng báo cáo của Cadivi. Vừa tự tin vì biết rõ đây là một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành cáp điện, vừa hy vọng dễ mua khi báo cáo tài chính Cadivi công bố quá... xấu!? Một công ty đầu ngành mà lợi nhuận chỉ có 13 tỷ đồng trên quy mô vốn đến 160 tỷ đồng, thì nếu chỉ nhìn vào bảng kết quả kinh doanh giá Cadivi khó vượt nổi ngưỡng 3x (30.000 đồng/cp).
Tuy nhiên, phân tích chuyên nghiệp hơn, tôi cộng thêm giá trị thương hiệu ước tính cũng như lợi nhuận “lặt vặt” từ các công ty con để đưa ra dự báo giá ở hàng 5x. Thế nhưng, mọi phân tích nhanh chóng bị vỡ trước ngày đấu giá, khi tôi nhận thông tin khối lượng đăng ký mua Cadivi cao gấp 20 lần lượng chào bán. Nhanh chóng liên tưởng đến 2 đợt đấu giá trước đó của Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Khu Công nghiệp Hiệp Phước có giá trúng thầu cao ngất ngưỡng, tôi thấy ớn lạnh mường tượng về cảnh tranh mua bằng được ở giá cao gấp hàng chục lần giá chào bán để rồi sau đó phải bỏ cọc hàng tỷ đồng như PVI.
14 giờ ngày 30-1, tôi đi dự đấu giá. Dựa trên kinh nghiệm, tôi cũng phải tự điều chỉnh giá bỏ thầu theo xu hướng thị trường khi đặt ở hàng 7x, tăng đến 50% so với mức phân tích. Sau gần nửa tiếng chen lấn trước cổng Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, tôi cũng lọt được vào khu bỏ phiếu, trung tâm này giờ trông bé xíu so với lượng người tham gia ùn ùn kéo vào. Đi loanh quanh nghe ngóng thông tin, tôi thấy mọi người quen lẫn không quen đều tự nhiên bắt chuyện hết sức rôm rả như chỗ thân tình(!?). Các mức giá bỏ thầu cũng nhờ vậy truyền qua truyền lại. “Giá nhiêu thì được vậy anh?”, một bà chị hỏi mà tôi thấy tức cười, và chẳng quen mà mình cũng cho giá tuốt! Rồi nhiều người kháo nhau “12x nhe, mức này mới hy vọng trúng”.
Một ông khác thêm “tôi thấy lúc nãy chính ông đó làm trong Cadivi bỏ giá đến 150.000 đồng, người trong công ty bỏ thế mà mình thấp hơn sao trúng được”... Thông tin “bay” tán loạn mà “ngáp” đại cũng có giá để bỏ thầu, có điều đó là giá thầu ảo vì tôi chẳng nghe ai bàn về lãi lỗ của công ty này. Gặp anh bạn tên Như cũng dự đấu giá, anh lắc đầu “hôm nay bỏ chơi cho vui thôi, chứ muốn trúng phải bỏ trên 12x, mà giá đó mình chẳng mua”. Một anh tên Thạch đứng gần đó tham gia “biết vậy hôm qua bán đại trên mạng kiếm chút cháo, có người rao mua quyền dự đấu giá đó”. Tôi chẳng biết mua quyền đó để làm gì vì đi đăng ký đâu mất phí? Mà mua giá nào, ai đứng tên? Thêm nhiều rủi ro vậy mà cũng có người chịu chơi thì đúng là... “liều” quá mức, “liều” còn hơn cả người bỏ giá 44 triệu đồng/cp, vì ít ra đó cũng là giá người ta tự bỏ, còn hơn ngồi nhà mua quyền của người lạ bỏ giá... loạn.
Bữa đó giá trúng thầu bình quân lên đến 185.369 đồng và tôi chẳng tiếc vì rớt đấu giá, 105 tổ chức chuyên nghiệp tham gia cũng chào thua “máu liều” của mấy nhà đầu tư trúng giá thì huống gì mình. Thời chứng khoán lên, đấu giá “trần ai khoai củ” hơn xưa nhiều. Nhưng từ đó mới thấy nổi lên nhiều người có tiền nhưng lại hết sức... “vô tư” trong một lĩnh vực kinh doanh mà tỷ lệ lợi nhuận cao tức rủi ro cũng rất rất lớn
TƯỜNG CHÂU