Người lãnh đạo nhân hậu và chu đáo
Trước khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Đỗ Mười đã kinh qua các công tác: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh của 7 tỉnh khác nhau, là Chính ủy viên, tư lệnh của Liên khu 3, khu tả ngạn Sông Hồng, đã từng làm việc trong gần 10 bộ ngành khác nhau. Trên những cương vị công tác đó, ông đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Cũng vì vậy, ông là một trong những vị Thủ tướng thuộc việc nhất, nhớ việc nhất. Đồng chí làm việc không kể ngày đêm. Mỗi ngày làm việc ba buổi: sáng, chiều, tối. Để giữ gìn sức khỏe cho ông, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần nhắc nhở và Ban Bí thư Trung ương có chỉ thị không để ông làm việc thêm vào buổi tối.
Còn nhớ, năm 1985, khi đồng chí Đỗ Mười đang họp Quốc hội thì có đồng chí công an vào báo cáo: Bên ngoài có nhiều người tụ tập, xin gặp Thủ tướng để đưa đơn khiếu nại. Và đồng chí đó khuyên ông không nên gặp vì sợ có hành động manh động nào đó, nhưng đồng chí Đỗ Mười nói: “Trước kia dân nuôi ta hoạt động cách mạng, chúng ta dựa vào dân mà sống, vì thế tôi phải ra để gặp bà con chứ!".
Nói xong ông lập tức rời hội trường ra với dân. Thấy Thủ tướng, bà con reo ầm lên “Bác Mười ra rồi kìa!”. Đồng chí Đỗ Mười nói: “Tôi đang bận họp, nghe thấy bà con yêu cầu gặp, tôi ra ngay. Bà con có đơn từ khiếu nại xin cứ đưa cho tôi”.
Khi trở lại phòng họp, ông nói với tôi: “Chú thấy không, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mình phải tin vào dân chứ!”. Sau đó, đồng chí Đỗ Mười đề nghị văn phòng Phủ Thủ tướng phải có phòng tiếp dân để nhận và xử lý kịp thời khiếu nại của dân. Sau này, chính đồng chí Đỗ Mười đã tham gia tích cực nhất để hình thành quy chế dân chủ cơ sở.
Một lần khác, sau khi làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, khi rời trụ sở UBND tỉnh ra sân bay thì một cụ già lao vào xe chở đồng chí Đỗ Mười. Rất may khi ấy không xảy ra tai nạn. Đồng chí sĩ quan bảo vệ và tôi nhảy xuống xe thì thấy cụ già đang quỳ dưới đất, hai tay giơ cao tờ đơn xin nộp Thủ tướng. Lúc đó đồng chí Đỗ Mười đã ra khỏi xe, ông tiến lại chỗ ông cụ, đỡ cụ đứng lên và nói: “Sao cụ lại quỳ xuống như vậy? Tôi có phải là vua chúa đâu. Thật ra tôi chỉ là công bộc của dân mà thôi”.
Rồi tự tay đồng chí Đỗ Mười nhận lá đơn và gọi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an tỉnh tới, ông nói to để bà con cùng nghe: “Dân có bức xúc mới nộp đơn khiếu nại lên nhà nước. Sau khi tôi đi rồi, các đồng chí không được làm khó dễ bà con. Nếu các đồng chí làm không đúng lời tôi nói, tôi sẽ kỷ luật các đồng chí đấy!”.
Trong thời gian đồng chí Đỗ Mười làm Thủ tướng, chính đồng chí đã tìm mọi biện pháp để đổi mới nền kinh tế theo chủ trương của Đảng. Chính ông đã đề ra những biện pháp để giảm tình trạng đồng tiền phá giá, khủng hoảng tài chính. Chính ông đã ra lệnh bỏ ngăn sông, cấm chợ; gấp rút nhập hàng tiêu dùng để đổi lấy lương thực cho dân thoát khỏi nguy cơ nạn thiếu đói.
Từ khi còn là Phó Thủ tướng, Bộ Chính trị đã giao đồng chí Đỗ Mười phụ trách xây dựng gấp ngành mũi nhọn, đó là dầu khí, điện lực và hạ tầng cơ sở. Chính ông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng các cơ sở dầu khí như cảng chuyên dùng, bãi lắp ráp chân đế giàn khoan để khoan dầu tại thềm lục địa nước ta, đẩy mạnh tiến độ thi công các nhà máy thủy điện sông Đà, thủy điện Trị An,…
Nhớ một lần khi tới thăm xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Thủ tướng thấy Tổng Giám đốc Arzhanov gầy đi trông thấy do làm việc quá căng thẳng, vất vả. Về Hà Nội, ông viết cho tôi một lá thư (nay tôi vẫn còn giữ), tuy rất ngắn nhưng thể hiện được tính cách của ông. Thư viết:
7-7-1986
Chú Ngọc,
Đồng chí Tổng giám đốc Liên doanh dầu khí Vũng Tàu ốm do làm việc mệt mỏi.
Tôi muốn chú chuẩn bị viết cho tôi một lá thư hỏi thăm sức khỏe đồng chí Tổng giám đốc. Tôi đã nói với anh Quang mai vào miền Nam chuyển lời hỏi thăm kèm theo thư của tôi. Đồng thời chú tìm mua một ít chè sâm biếu đồng chí Tổng giám đốc. Chú viết tối nay đem lại cho tôi. Sáng mai anh Quang lấy đem đi.
Thân,
Đỗ Mười
(Anh Quang mà đồng chí Đỗ Mười nhắc tới trong thư là đồng chí Phan Tử Quang, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí).