"Tôi chỉ là một con chim rừng hát về miền đất Tây Ninh và người anh hùng Tô Quyền"

“Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” là một trường ca mới của tác giả Châu La Việt viết trong Trại sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Tam Đảo tháng 8 vừa qua. Ngay sau đó, trường ca này được NXB Quân Đội xuất bản trong đợt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tá Tô Quyền cùng Phu nhân và các đồng chí: Bùi Thiện Ngộ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh về thăm lại chiến trường Gò Dầu – Tây Ninh. Ảnh: TƯ LIỆU
Đại tá Tô Quyền cùng Phu nhân và các đồng chí: Bùi Thiện Ngộ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh về thăm lại chiến trường Gò Dầu – Tây Ninh. Ảnh: TƯ LIỆU

Ngay sau buổi bế mạc trại viết, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Châu La Việt xung quanh tác phẩm này…

* Bắt đầu từ đâu ông có ý tưởng và viết trường ca này?

- TÁC GIẢ CHÂU LA VIỆT: Năm 1985, nghĩa là sau 10 năm đất nước thống nhất, tôi cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý theo lời mời của Đại tá Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng - khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh) về Tây Ninh sáng tác. Chúng tôi được thăm hồ Dầu Tiếng (sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có bài hát Đêm trăng trên Hồ Dầu Tiếng); được về thăm R, và đặc biệt về Gò Dầu, gặp gỡ và nghe chị Tư Minh (Nguyễn Thị Minh - Bí thư Gò Dầu, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh) kể về những ngày tháng quyết tử tại Gò Dầu. Người chỉ huy trận đánh đó là đồng chí Tô Quyền (với biệt danh Tư Tô Lâm) là Tỉnh ủy viên, Phó Ban An ninh Tây Ninh, người sĩ quan từng chỉ huy 6 đơn vị an ninh Tây Ninh thì cả 6 đơn vị đều được được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, và đồng chí Tô Quyền cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Cũng xin được kể thêm những cơ duyên kỳ lạ để tôi viết trường ca này. Từ thuở ấu thơ ở Hà Nội, tôi được học ở Trường Tiểu học Tô Hiệu (phố Hai Bà Trưng). Nhà trường thường kể cho chúng tôi nghe về người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu, về sự tích cây đào của ông trong lao tù Sơn La, về thăm làng Xuân Cầu - Nghĩa Trụ - quê hương của ông.

Vậy là từ tuổi thơ, hình ảnh quê hương Xuân Cầu đã vào tâm hồn tôi không chỉ có giếng thơi mát lành mà đây chính là một mảnh đất địa linh nhân kiệt. Cho nên khi viết về quê hương Xuân Cầu, tôi như viết từ những kỷ niệm tuổi thơ ấy, về nơi sinh ra những chiến sĩ cách mạng lừng danh như Tô Chấn, Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tô Dỹ, Tô Quyền, Tô Lâm, Tô Lan Phương…

Một kỷ niệm khác cũng từ tuổi thơ của tôi, mẹ tôi là nữ ca sĩ Tân Nhân của Đoàn văn công nhân dân Trung ương ở khu văn công Cầu Giấy. Vì vậy, từ nhỏ, tôi được chứng kiến buổi lên đường ra mặt trận của các nghệ sĩ trong đoàn như anh Lâm Quang Măng (nhạc sĩ Thanh Trúc), nhạc sĩ Trần Mùi, ca sĩ Tô Lan Phương… Nhìn mọi người náo nức lên đường, ngời ngời ánh sáng lý tưởng, tâm hồn của đứa trẻ đang học lớp 10 phổ thông như tôi vô cùng náo nức, mong muốn lên đường vào Trường Sơn, lên đường đi B cùng những người nghệ sĩ ấy…

Chính vì vậy khi đọc trường ca này, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cảm nhận: "Hai sợi chỉ xuyên suốt trường ca là hai câu chuyện về hai con người cùng điểm xuất phát làng quê Xuân Cầu văn hiến, yêu nước; điểm gặp gỡ là vùng đất “Tây Ninh nóng bỏng”".

“Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu/ Ông đã tới với chiến trường rất sớm/ Nơi ông đến đất Tây Ninh nóng bỏng/ Ông sẽ yêu như chính quê hương mình…”. Như một logic nghệ thuật, hai không gian nghệ thuật trữ tình đồng hiện theo sự quy chiếu của hai cái tôi tâm trạng. Khi họ gặp nhau thì hai không gian ấy ánh xạ vào nhau để cùng tỏa ra thứ ánh sáng nhân văn về tình yêu cội nguồn, tình đồng hương, tình yêu nước, tình đồng chí.

Câu chuyện về “người chiến sĩ an ninh”, “nằm vùng”, “bí mật”, “đặc biệt” dần được hé mở: “Dùng địch đánh địch”, “Lấy ác diệt ác”/ "Những phương châm thành sách lược an ninh/ Thành nghệ thuật của Tây Ninh đánh giặc/ Thành diệu kỳ của chiến tranh nhân dân”. “Người ấy” ở lẫn vào dân, sống cùng dân, lo lắng cái lo lắng của dân, cùng ăn khoai ăn sắn với dân: “Bà con gọi ông chú Tư Tô Lâm/ Bà con thương ông củ khoai củ sắn/ Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng/ Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…”. “Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng” nói về thời gian, “Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…” nói về thời điểm hiện tại. Một chi tiết thật đắt: nguy hiểm, cái chết luôn rình rập bất cứ lúc nào nên phải luôn vội vã!

* Ông nói thêm đôi điều tâm sự về trường ca này, và nhất là dòng thơ trữ tình chính trị mà mình tâm huyết theo đuổi?

- Từ tuổi thơ, tôi đã say mê với những trường ca về Bác Hồ, về các lãnh tụ Đảng và người lính. Đó là các trường ca: Theo chân Bác (Tố Hữu), Bài ca Hắc Hải (Nguyễn Đình Thi), Hoa trước lăng Người (Chế Lan Viên); hay như nhà thơ Hữu Thỉnh với Trăng Tân Trào, nhà thơ Thanh Thảo với trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân

Về cá nhân tôi, bài thơ đầu tiên của tôi được in trên Báo Văn nghệ là Tuổi trẻ Trường sơn vào năm 1968, năm ấy tôi 16 tuổi và bài thơ in trước ngày tôi lên đường nhập ngũ. Từ ngày ấy và mãi về sau này, tôi chỉ làm thơ, viết văn về đề tài người chiến sĩ và dòng thơ trữ tình chính trị. Tôi đã có 5 tập thơ và trường ca: Người gõ trống (NXB Văn học), Những vị tướng và người lính binh nhì (NXB Quân đội), Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ (NXB Quân đội và NXB Văn học), Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn (NXB Văn học) và mới đây nhất là Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh (NXB Quân đội).

Trong đó có ba trường ca về lãnh tụ: Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ, Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn, Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh.

z6155558262351-7ec18f3d778ae73515d5d8bc0d1859ed-4638.jpg
Anh hùng Lực lượng vũ trang Tô Quyền

* Ông có thể giới thiệu đôi nét về trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh?

- Đây là một trường ca khắc hoạ về một miền đất, một chiến trường hết sức ác liệt trong cuộc kháng chiến vừa qua - Tây Ninh. Suốt hàng chục năm đạn bom khốc liệt nhưng quân và dân nơi đây đã chiến đấu quả cảm, kiên cường để bảo vệ quê hương, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Không ở đâu ác liệt như nơi đây, và cũng không nơi nào giàu sự tích anh hùng như mảnh đất này…

Về Gò Dầu thăm dòng Vàm Cỏ Đông
Lại nhớ người Anh hùng năm xưa chỉ huy quyết tử
Hỏi sông ơi dòng sông còn nhớ
Ai chém vè năm xưa trong đạn lửa
Con thuyền nào đưa cán bộ vượt sông…

Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông
Nhớ bao người vì quê ta chiến đấu
Tên họ mãi còn với đất nước quê hương
Tên họ trong lòng nhân dân yêu dấu.

Đất lửa Tây Ninh và tiếng chim rừng

Những nhân vật chính của trường ca này là người nghệ sĩ mang tên Tô Lan Phương, người cán bộ an ninh Tô Quyền (với biệt danh hoạt động Tư Tô Lâm). Họ cùng họ Tô, cùng sinh trưởng nơi quê hương xinh đẹp mang tên Xuân Cầu, nơi sinh ra những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như Tô Hiệu, Lê Văn Lương… Với truyền thống cách mạng của quê hương, hai chú cháu cùng lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, theo sự phân công của Đảng, vào chiến đấu nơi chiến trường Tây Ninh ác liệt. Qua những tháng năm lửa đạn, Tô Lan Phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; đồng chí Tô Quyền, người cán bộ an ninh xuất sắc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Làng Xuân Cầu xinh đẹp và giàu truyền thống cách mạng ấy cũng chính là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm. Người Anh hùng Lực lượng vũ trang Tô Quyền chính là người cha thân yêu của đồng chí Tô Lâm. Trường ca giúp ta hiểu thêm về truyền thống cách mạng của làng Xuân Cầu, và hôm nay vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục