1. Không có tên biển hiệu ngoài dòng địa chỉ trên tin nhắn, tôi len lỏi vào con ngách nhỏ của khu tập thể 28B Điện Biên Phủ, Hà Nội, để tìm số nhà mà Đinh Thảo - thành viên trong ban điều hành dự án - gửi cho qua điện thoại. Đó là ngôi nhà cũ nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng, trông không có vẻ gì giống với một địa chỉ dành cho các bộ môn nghệ thuật hát dân gian. Vì thế, lo mình tìm nhầm ngách, tôi đã phải hỏi lại một người lớn tuổi sống gần đó, trước khi nhận được cái gật đầu cùng nụ cười nhẹ nhàng từ phía ông.
Sau tiếng gõ cửa, Đinh Thảo đón tôi trong căn phòng được bày biện trông như một quán trà với những chiếc bàn thấp và đệm ngồi thay cho ghế. Chắc chắn là thế nếu tôi không kịp nhìn thấy trên 2 chiếc bàn nhỏ có những cây đàn nhị và sênh tiền. Tuy nhiên, điều làm tôi ấn tượng hơn cả sau đó là tiếng đàn nhị của một chàng trai trẻ có vẻ bề ngoài ưa nhìn. Hỏi ra mới biết, đó là chàng trai trẻ Ngô Văn Hảo, nghệ nhân khá nổi tiếng chỉ mới 24 tuổi. Vừa kéo đàn vừa chỉ dẫn 2 người bạn trẻ khác vào lời chính, làn hơi lên xuống, kéo chữ đúng nốt nhạc, Hảo cũng đồng thời nhắc nhở những bạn trẻ khác phải gõ phách nhỏ hơn để không át tiếng của người hát. Rồi anh lại yêu cầu người hát thả chữ một cách luyến láy, thật “lẳng lơ” từng từ một trong bài “Giăng sáng vườn chè”. Đây là bài xẩm phỏng theo thơ Nguyễn Bính, có làn điệu tàu điện và trống quân.
Mới 24 tuổi nhưng chàng trai quê Mê Linh, Vĩnh Phúc, đã có 9 năm nghe, học, biểu diễn và dạy hát xẩm. Nói như Hảo thì từ lúc biết nghe, anh đã thích rồi say mê xẩm. Sau này, khi vào đại học, anh càng có cơ hội theo đuổi xẩm một cách nghiêm túc hơn. Mặc dù học chuyên ngành kinh tế tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Hảo lại có cơ duyên học xẩm ở Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh tại Hải Phòng. Thời gian gặp nhau không nhiều, nhưng mỗi lần lên Hà Nội, thầy Linh và các trò lại kéo nhau ra công viên học, biểu diễn và quay video.
Giờ đã tốt nghiệp đại học và đang làm kế toán cho một công ty ở khu Mỹ Đình với thu nhập ổn định, Hảo có thể dành nhiều thời gian hơn để tham gia các chương trình, lễ hội liên quan đến xẩm, tìm hiểu và thu thập tư liệu những bài hát xẩm, cũng như dạy hát tại dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” vào thứ bảy mỗi tuần.
2. Trong số các học viên của Hảo, tôi rất thích một giọng nam mà chỉ cần nghe giọng, tất cả đều có thể nói rằng, anh sinh ra là để hát xẩm, hoặc hát chầu văn, chèo, quan họ hay thậm chí là ví dặm, cải lương. Đó là Phạm Văn Trình, chàng trai mới 25 tuổi, người Thanh Hóa.
Dù mới theo học lớp xẩm ở “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” được 5 buổi, nhưng Trình đã có nhiều năm tìm hiểu, học và hát cải lương, chầu văn, quan họ, ví dặm… Anh đến với dự án trên qua một người bạn đã học hát tại đây. “Vậy Trình học xẩm cho vui hay học để biểu diễn?”, tôi hỏi. “Em học cho vui, nhưng với một thái độ nghiêm túc”, Trình vừa cười vừa trả lời. Nói vậy nhưng Trình cũng cho biết anh vẫn biểu diễn cải lương, xẩm hay quan họ trong các chương trình phục vụ quần chúng của quân đội.
Có một chất giọng đặc trưng của Thanh Hóa, Trình có thể hát xẩm với làn hơi rất cao hoặc rất thấp. Có lẽ đây là nhờ “thổ âm, thổ ngữ” mang tính địa phương của Trình và theo như nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công thì “Tính ổn định về lịch sử, địa lý và tính bền vững của cư dân bản địa người Việt Cửu Chân (xuất hiện từ thời Hùng vương và có thể xa xưa hơn nữa) là cơ sở để Thanh Hóa hình thành một kiểu lời ăn tiếng nói giàu sắc thái thổ âm - thổ ngữ.
Trong tiến trình lịch sử, nhiều người từ đồng bằng sông Hồng di cư vào, từ lưu vực sông Lam chuyển ra, dĩ nhiên họ đều mang theo tiếng nói quê hương mình, nhưng chỉ qua một vài đời, không ai còn nhận ra gốc tích. Ngược lại, người Thanh Hóa đi đến phương trời nào của Tổ quốc, dù là Hà Nội với ngôn ngữ được xem là “chuẩn” hay những miền quê Nam bộ với ngôn ngữ “lệch”, chất giọng Thanh Hóa vẫn có thể nhận ra…”.
Tuy vậy, thật tiếc là xẩm và các loại hình dân ca chỉ như một cuộc dạo chơi của Trình, mặc dù anh cũng từng ước mơ học ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội như anh thổ lộ. Thay vào đó, sau khi theo học tại Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moscow Bauman của Nga trong 4 năm, giờ anh làm việc đúng với chuyên ngành kỹ thuật trong quân đội.
3. Thật khó tin là một dự án phi lợi nhuận như “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, sau rất nhiều khó khăn tưởng như không thể hoạt động tiếp, nói như Thảo, một trong 5 thành viên sáng lập và cũng là một trong 2 người còn gắn bó với nhóm vào thời điểm hiện tại. Chỉ với suy nghĩ đơn giản là muốn tìm hiểu về xẩm, hát xẩm nhưng không có địa điểm thích hợp, Thảo mặc dù theo học lý luận âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và dạy piano, đã cùng các bạn lập dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”.
Dự án đoạt giải nhất của cuộc thi “Ý tưởng Tôi 20” vào năm 2013, do tổ chức cộng đồng “Tôi 20” tổ chức nhằm tìm kiếm các dự án xuất sắc, trước khi đi vào hoạt động để đưa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại, nhất là giới trẻ thông qua các hình thức tiếp cận gần gũi, sáng tạo. Qua đó khơi dậy niềm yêu thích, tự hào về giá trị bản sắc dân tộc, thúc đẩy những hành động gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Mặc dù vậy, để hoạt động mà không có sự hỗ trợ nào về mặt tài chính thật sự là vấn đề nan giải cho Thảo và các bạn trong suốt 5 năm qua. Thậm chí, năm 2018, dự án còn không tổ chức bất cứ hoạt động nào. Thảo cho biết, đây là lúc nhóm gặp khó khăn về nhân sự do người đi du học, người vào miền Nam làm việc và cộng thêm đó nỗi lo thiếu kinh phí.
Đổi lại, quãng nghỉ cần thiết đấy là cơ hội để họ tìm hiểu kỹ thị hiếu của người trẻ, tìm hướng đi mới để phát triển. Song song đó, “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” vẫn nỗ lực tìm kiếm nguồn đầu tư thông qua các dự án khởi nghiệp, biểu diễn và thậm chí đoạt giải nhì Thanh niên kiến tạo năm 2018, do Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) tổ chức. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực và nổi bật cho cộng đồng của những mô hình/dự án xã hội do thanh niên khởi xướng và vận hành trong giai đoạn 2017-2018.
Bước sang năm 2019, “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã tổ chức được 3 lớp học hát xẩm, bên cạnh những lớp học chèo, chầu văn và nhiều hoạt động trải nghiệm của dự án tại các địa phương ngay ở Hà Nội hoặc xung quanh thành phố. Với mỗi lớp xẩm, khóa học kéo dài 10 buổi với sự hướng dẫn của Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh và nghệ nhân trẻ Ngô Văn Hảo. Đương nhiên, học viên của lớp phần lớn là người trẻ, làm những công việc khác nhau, nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê với xẩm.
Chẳng hạn như Đặng Mai làm cho một công ty chuyên về trò chơi, Nguyễn Văn Hưởng làm cho công ty xuất nhập khẩu, Trần Thị Trang kinh doanh tự do, Hoàng Trọng Tấn là nhân viên một công ty tổ chức sự kiện, Nguyễn Thị Huyền vẫn đang là sinh viên Học viện Ngân hàng hay Lê Doãn Thái Bình là sinh viên trung cấp chuyên ngành Nhị của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam… Và sau mỗi khóa học, tất cả cùng tổ chức một minishow mang tên “Để mình hát xẩm cho mà nghe!” hay thậm chí thu âm các bài xẩm để phát trên Facebook hoặc YouTube vào mỗi dịp đặc biệt.
Cũng phải nói rằng, một điều may mắn cho “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” là ngoài Hảo, còn có sự giúp đỡ của Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Thanh Bình (chèo), nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Kha (chèo) và đạo diễn Lê Tuấn Cường (Nhà hát Chèo Việt Nam) trong việc tổ chức các chương trình như: Không gian nguồn cội, Young Culture Day, Về nguồn, Ngày hội di sản văn hóa phi vật thể và những đại sứ trẻ, Talk show Đường trường chông chênh, Gala show Tôi chèo về quê hương...
Thời gian tới, như Thảo cho biết, “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” hy vọng có thể thu hút nhiều người tham gia và trải nghiệm hơn vào các hoạt động truyền thống, ở những góc độ sân khấu, lịch sử, văn hóa… không chỉ ở các trường đại học mà còn cả trường mầm non để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo, phát huy lòng tự hào về truyền thống của dân tộc, từ đó nâng cao tình yêu quê hương dân tộc ở giới trẻ.