Giới quan sát lo ngại vịnh Persian mới yên bình được một thời gian có thể lại nổi sóng vì động thái mới này của Iran.
Liều thuốc đắng
Iran đang từng bước phá vỡ mức hạn chế trong thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký kết với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015, nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này từ năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Theo IAEA, mức độ tinh khiết uranium mà Iran tinh chế đang ở mức cao hơn giới hạn đặt ra trong thỏa thuận.
Cơ sở hạt nhân Fordow nằm cách thủ đô Tehran 160km về phía Nam. Toàn bộ cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới chân một ngọn núi để đề phòng sự tấn công của vũ khí gây nổ. Nó cũng liền kề với căn cứ quân sự của Iran, được phòng thủ vô cùng chặt chẽ và hầu như không thể bị phá hủy bằng vũ khí thông thường.
Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran sau 6 năm đàm phán. Trong quá trình đàm phán này, Chính phủ Mỹ khi đó đã nỗ lực đóng cửa hoàn toàn cơ sở Fordow, nhưng thất bại. Trong mắt truyền thông nước ngoài, một Fordow khó bị đánh chiếm bằng vũ lực luôn là con át chủ bài của Chính phủ Iran trong việc thách thức phương Tây, và cũng là con bài mặc cả quan trọng của Tehran.
Một nhà đàm phán Mỹ thời điểm đó đã thừa nhận: “Hãy để Fordow giữ nguyên vai trò là một liều thuốc đắng”.
Kết quả đàm phán cuối cùng là Iran đồng ý biến Fordow thành một trung tâm hạt nhân, vật lý, công nghệ và ngừng bơm uranium vào máy ly tâm. 1.044 máy ly tâm ở trong núi đã được sử dụng cho các mục đích khác như sản xuất các đồng vị ổn định được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực dân dụng.
Tờ The Wall Street Journal bình luận: “Việc cấm cơ sở hạt nhân Fordow tiến hành mọi hoạt động làm giàu uranium trong 15 năm là một trong những thành tựu cốt lõi của thỏa thuận hạt nhân Iran. Do đó, động thái mới nhất của Iran là một bước đi chệch khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015”.
Hai quân bài
Ngoài quân bài Fordow, ngày 4-11, Iran đã đưa ra quân bài thứ 2 là khởi động lại 30 máy ly tâm IR-6 tại cơ sở hạt nhân Natanz. Tính đến nay, số lượng máy ly tâm IR-6 được đưa vào sử dụng ở Iran đã lên đến 60 chiếc. Nhiều ý kiến cho rằng Iran có thể có một số cân nhắc khi liên tiếp đưa ra 2 quân bài.
Thứ nhất, đây là một phần trong chiến lược quan trọng của Iran nhằm buộc châu Âu thực hiện các cam kết bồi thường cho những tổn thất mà Iran phải chịu do Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc sau khi từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Thứ hai, động thái của Iran dường như là một sự lên án đối với các lệnh trừng phạt mới của Chính phủ Mỹ. Ngày 4-11, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 người có quan hệ mật thiết với lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cũng như Bộ Tham mưu Các lực lượng vũ trang Iran. Iran khẳng định họ có thể nhanh chóng đảo ngược các vi phạm này nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
ABC News cho rằng sau khi Iran đưa ra 2 quân bài, sức ép buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải trừng phạt Iran và từng bước hủy bỏ thỏa thuận sẽ tăng lên; Anh, Pháp và Đức cũng phải đối mặt với sức ép buộc họ phải từ bỏ thỏa thuận và gia nhập phe Mỹ. Tuy nhiên, Barbara Leaf, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, cựu Đại sứ Mỹ tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, cho rằng trước thềm cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2020, chính sách “tiếp xúc và đối đầu” của Chính phủ Mỹ đối với Iran sẽ tiếp tục bị thu hẹp.
Cho đến nay, mặt “tiếp xúc” của Mỹ đối với Iran đã bị thu hẹp thành những dòng tweet và câu nói “cuộc gặp đáng mong đợi” của Tổng thống Mỹ. Mặt “đối đầu” cũng đã bị thu hẹp thành các biện pháp trừng phạt kinh tế mà không thể leo thang thành chiến tranh. Chính sách bị thu hẹp cả 2 mặt này không chỉ khó có thể tháo gỡ cục diện bế tắc giữa Mỹ và Iran mà còn khiến cho tình hình khu vực trở nên khó đoán định hơn.