Gần 1.000 sự kiện đã diễn ra nhằm gửi đi 2 thông điệp: Đẩy nhanh việc hướng tới một thế giới vận hành bằng năng lượng tái tạo thay vì khí đốt, dầu mỏ và than đá đang khiến hành tinh ấm lên; Bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng nước biển dâng và thời tiết cực đoan do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Tại Mỹ, cuộc tuần hành đã diễn ra suốt 24 giờ tại San Francisco, nơi hàng ngàn người tràn ra khắp thành phố mang theo các biểu ngữ kêu gọi sử dụng các nguồn năng lượng sạch khác. Khoảng 115.000 người cũng đã tham gia cuộc tuần hành vì môi trường lớn nhất từ trước đến nay tại Pháp. Hơn 10.000 người đã đã đổ ra đường tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, và 1.300 người khác đã tuần hành trước trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Tại châu Á, nhiều ngư dân và người lao động Thái Lan bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng đang tuần hành tại thủ đô Bangkok, nơi đang diễn ra các cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP 24 vào tháng 12-2018 ở Ba Lan. Người tuần hành lên án việc Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Cuộc tuần hành cũng diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines và nhiều nơi ở Ấn Độ… kêu gọi chấm dứt phá rừng.
Tại Australia, các con tàu mang theo biểu ngữ chống biến đổi khí hậu đã đi vào cảng Sydney để tham gia vào làn sóng biểu tình do nhóm 350.org có trụ sở tại New York phát động (350.org đang phối hợp tổ chức 850 sự kiện khắp thế giới, trong đó có khoảng 50 sự kiện tại Australia về chống biến đổi khí hậu).
Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu toàn cầu (Global Climate Action Summit) dự kiến sẽ diễn ra từ 12 đến 14-9 tại California, Mỹ, nơi các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh và giải trí như Tổng thống Hungary Janos Ader.
Giám đốc Điều hành Tập đoàn Ikea Jesper Brodin và diễn viên Harrison Ford tham dự. Hội nghị thượng đỉnh này do Google, Facebook, Liên hiệp quốc và Bloomberg Philanthropies đồng tài trợ.