Toàn cảnh vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 1: Xin được sống để khắc phục mọi hậu quả

Xét xử từ ngày 4-11 đến nay, phiên tòa phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 1 xuất hiện nhiều tình tiết mới. Đáng chú ý nhất vẫn là việc bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị mức hình phạt là y án tử hình. 

Bị cáo suy sụp

Tại phiên tòa ngày 15-11, đại diện viện kiểm sát đánh giá, tại cấp phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan có thêm tình tiết giảm nhẹ mới như: ăn năn hối cải, thể hiện quyết tâm khắc phục hậu quả vụ án khi đưa Dự án 6A (huyện Bình Chánh) và 658 mã tài sản không đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào tại SCB vào khắc phục hậu quả, có đơn trình bày về các phương án xử lý tài sản, đến nay đã nộp gần 3.500 tỷ đồng…

z5997256191003_23a2964b75da3fecc643d3b1c25caf8b.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị mức hình phạt là y án tử hình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mặc dù có những tình tiết giảm nhẹ mới nêu trên nhưng theo quy định pháp luật thì bị cáo chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt ở tội "Đưa hối lộ" và "Tham ô tài sản". Từ đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX y án đối với 2 tội danh này và giảm án đối với tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", bị cáo phải chấp nhận hình phạt chung là tử hình.

Sau khi nghe đề nghị trên, bị cáo Trương Mỹ Lan đã xin HĐXX cho trình bày: "Nếu không được cho lên nói, chắc bị cáo ngất tại chỗ. Đến hôm nay, viện kiểm sát tiếp tục giữ mức hình phạt như thế thì bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bấn loạn. Kính xin tòa và viện xem xét thật kỹ cho bị cáo. Bị cáo chỉ mong muốn rằng làm sao để có thể trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước". Qua quan sát, có thể thấy thái độ, tinh thần của bị cáo đã suy sụp so với lúc ở phần xét hỏi, vài lần, giọng nói của bị cáo lạc đi...

Bào chữa cho Trương Mỹ Lan, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, thân chủ của mình và gia đình đang trong một hoàn cảnh đau xót. Ông nói: “Tục ngữ có câu: Ngay cả lúc bầu trời đen tối nhất, vẫn sẽ có những ngôi sao sáng chiếu rọi khắp nơi. Những ngôi sao ấy chính là hy vọng. Trong hoàn cảnh này, ngôi sao hy vọng mà bà Trương Mỹ Lan đang hướng tới chính là sự nhìn nhận, xem xét, đánh giá khách quan, công bằng và nhân văn của HĐXX và các vị đại diện viện kiểm sát cấp phúc thẩm".

z5997256302339_48693b35fdd33840f5c8e8292480a5f1.jpg
Luật sư Phan Trung Hoài (ngoài cùng bên trái) và các luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đủ khả năng khắc phục hậu quả

Bản án sơ thẩm tuyên buộc bà chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 673.000 tỷ đồng. Theo các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, dù không đồng thuận về số liệu này và đang đề nghị HĐXX xem xét lại, nhưng thân chủ của họ hoàn toàn đủ khả năng khắc phục khoản tiền khổng lồ trên.

z5997256074541_ffe0a2ab6204c9fa9900b43de70280ef.jpg
Luật sư Giang Hồng Thanh (thứ 2 từ trái qua) đã trình bày phương án khắc phục hậu quả vụ án của bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trình bày phương án khắc phục, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, giá trị các tài sản và số tiền đã có/phải thu có tổng giá trị ước tính khoảng 628.000 tỷ đồng, chưa bao gồm giá trị của 658 mã tài sản đang bị kê biên không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào, 31 tài sản khác không thế chấp tại SCB và số tiền các doanh nghiệp khác đang nợ và có nghĩa vụ phải trả cho SCB.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, nếu bà Trương Mỹ Lan được sống, các dự án đang bị đình trệ sẽ được hồi sinh. Trong đó có siêu Dự án Amigo (Tứ giác Nguyễn Huệ), Dự án Mũi Đèn Đỏ... mang lại nguồn thu đặc biệt lớn cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, mang lại hình ảnh tươi đẹp cho TPHCM. Mặt khác, UBND TPHCM mới đây đã ban hành bảng giá đất mà theo đó, giá đất tăng lên nhiều lần kể từ ngày 31-10-2024. Như vậy, đương nhiên giá trị tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất cũng sẽ tăng lên.

Bà Trương Mỹ Lan đề nghị thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng mua dự án trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Bên cạnh đó, nhiều tình tiết rất đáng chú ý khi các luật sư của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày kháng cáo.

Tại phiên tòa ngày 10-11, đại diện Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) và ông Nguyễn Sơn Hoa kháng cáo đề nghị tòa giải tỏa các quyết định kê biên, phong tỏa tạm thời đối với sổ tiết kiệm, tài khoản cá nhân và giấy chứng nhận tài sản thuộc công ty cùng cá nhân ông Hoa vì không liên quan trực tiếp đến vụ án. Đại diện công ty này khẳng định, không ký bất cứ hợp đồng nào với SCB hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, đại diện SCB đưa ra tài liệu chứng minh 13 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM, đã được Công ty Hồng Hà và ông Hoa thế chấp cho SCB năm 2019 để vay 2.090 tỷ đồng. Trong đó, ông Hoa ký với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty Hồng Hà. Đại diện Công ty Hồng Hà phủ nhận toàn bộ, cho rằng ông Hoa không ký các hợp đồng này.

z5997256227417_857ddf297013342c4c35927ccaf422b1.jpg
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, đã chuyển cho ông Hoa và Công ty Hồng Hà hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng ông Hoa không chuyển nhượng dự án trên khu đất 194B-202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM. Bị cáo đề nghị tòa triệu tập ông Hoa để đối chất và khẳng định, việc mình chuyển tiền cho ông Hoa cũng tương tự như với Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Tập đoàn Capella, bị tuyên phạt 8 năm tù vì chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Lan) không có giấy tờ gì, nhưng thực chất là đã đưa đủ tiền.

"Nếu anh Hoa nói không có nhận tiền thì đề nghị C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - PV) vào làm việc", bị cáo Trương Mỹ Lan nói và đề nghị tòa cho thu hồi tiền.

z5997256124166_957c74e2b23e48144f633018282335e3.jpg
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) đề nghị xem xét lại giá trị của tòa nhà Times Square để không gây bất lợi cho bị cáo Chu Lập Cơ trong việc xác định thiệt hại của vụ án.

Theo đó, năm 2017, tòa nhà Times Square được định giá là 45.000 tỷ đồng. Năm 2021 được định giá trên 60.000 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2023, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá Times Square có giá trị 35.000 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn một năm, Công ty Hoàng Quân định giá tài sản này thấp hơn 20.000 tỷ đồng, trong khi giá bất động sản ngày càng tăng, là vô lý.

Trong quá trình nghe các luật sư bào chữa, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị SCB cung cấp thông tin để làm rõ trước khi hợp nhất từ 3 ngân hàng thì nợ cũ của SCB là bao nhiêu, tổng số tiền ngân hàng cho rằng dư nợ thì có bao nhiêu tiền vay để đảo nợ, bao nhiêu tiền bị cáo Trương Mỹ Lan rút ra...

Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 21-11, luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại SCB từ chối không cung cấp những tài liệu vì cho rằng, tất cả đã được xác định trong hồ sơ. Các bị cáo kháng cáo liên quan đến quyền lợi của mình thì sử dụng tài liệu trong hồ sơ.

5f5a7965579cefc2b68d-173138714-5490-8077-1731387232.jpg
Đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM tham gia phiên tòa phúc thẩm

Theo diễn biến phiên tòa, ngày mai (25-11), đại diện viện kiểm sát sẽ phát biểu quan điểm đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư.

Với những tình tiết xuất hiện trong phần tranh luận, liệu Viện KSND cấp cao tại TPHCM có thay đổi quan điểm về đề nghị y án án tử hình với bị cáo Trương Mỹ Lan?

Chi tiết phương án khắc phục số tiền 673.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan

- Số tiền do các cá nhân, tổ chức phải nộp lại để bảm bảo nghĩa vụ cho bà Lan: 21.420 tỷ đồng (Công ty Quốc Cường Gia Lai rút kháng cáo tức đồng ý trả cho bà 2.882 tỷ đồng…)

  • - Số tiền đang bị phong tỏa trong các tài khoản: 172 tỷ đồng
  • - Số tiền gia đình bà Lan và Tập đoàn VTP đã nộp: 520 tỷ đồng
  • - Số tiền bà Lan và nhóm cổ đông tăng vốn điều lệ cho SCB: 5.000 tỷ đồng
  • - 726 mã tài sản bảo đảm cho các khoản vay của SCB được Công ty Hoàng Quân định giá: khoảng 489.833 tỷ đồng nếu VAAE định giá
  • - 440 mã tài sản bảo đảm cho các khoản vay của SCB không được Công ty Hoàng Quân định giá: Khoảng 100.000 tỷ đồng
  • - 658 mã tài sản đang bị kê biên không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào, bà Lan tự nguyện dùng khắc phục hậu quả
  • - 31 mã tài sản khác không thế chấp tại SCB
  • - Dự án 6A với diện tích 26ha (ở Bình Chánh, TPHCM) – đã có nhà đầu tư đồng ý đầu tư, sau khi trừ các chi phí, bà Lan có 20.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

- Bà Trương Mỹ Lan đề nghị tòa thu hồi số tiền hơn 2.000 tỷ đồng đã chuyển cho Công ty Hồng Hà và ông Nguyễn Sơn Hoa, hơn 6.000 tỷ đồng đã chuyển cho nhóm Công ty Tuần Châu…

Nguồn: Trình bày của bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư của bị cáo tại phiên tòa

Tin cùng chuyên mục