Toàn cảnh vụ án liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Toàn cảnh vụ án liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

vu-an-van-thinh-phat-chap-5103.jpg

Trương Mỹ Lan gây thiệt hại khoảng 498.000 tỷ đồng

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm Chủ tịch HĐQT đã xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Những người được thuê này đều có quan hệ họ hàng hoặc là cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái.

vu-an-van-thinh-phat-2-4042.jpg

Từ năm 2011, bà Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bà Lan sở hữu tới 91,5% cổ phần của SCB và là cổ đông có “quyền lực” để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích của mình. Để lấy tiền từ SCB, bà Lan và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội. Đó là tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; cấu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.

Cùng với đó là thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ.

Từ năm 2012 đến năm 2022, bà Lan cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng ngàn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10-2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, bà Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng ở hành vi tham ô tài sản, gây thiệt hơn 64.000 tỷ đồng ở hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Như vậy, bị cáo Lan gây thiệt hại khoảng 498.000 tỷ đồng (PV).

vu-an-van-thinh-phat-1-4317.jpg

Những đồng phạm tích cực giúp sức

Cũng theo cáo trạng, trong số 85 bị cáo còn lại, nhiều bị cáo được xác định có vai trò giúp sức tích cực để bà Lan thực hiện hành vi phạm tội. Đầu tiên là hai cựu Chủ tịch HĐQT SCB: Đinh Văn Thành (đang bị truy nã) và Bùi Anh Dũng. Ông Đinh Văn Thành từng là Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất. Từ ngày 28-6-2012 đến ngày 6-12-2020, ông Thành được bà Lan sắp xếp làm Chủ tịch HĐQT SCB.

Năm 2020, ông Thành xin nghỉ, ra nước ngoài và giới thiệu ông Bùi Anh Dũng thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT. Trong thời gian còn làm việc, ông Thành đã ký quyết định thành lập 3 đơn vị chuyên thực hiện các hồ sơ vay trái pháp luật của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ông Thành cũng ký hồ sơ cấp tín dụng cho các khoản vay của bà Lan nhưng cho công ty “ma” hoặc cho các cá nhân được thuê đứng tên.

HỆ SINH THÁI VẠN THỊNH PHÁT

Hơn 1.000 doanh nghiệp, 4 nhóm chính:

Nhóm định chế tài chính

Nhóm công ty kinh doanh tại Việt Nam

Nhóm công ty “ma” tại Việt Nam

Mạng lưới công ty tại nước ngoài

Hành vi của ông Thành đã giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt hơn 189.000 tỷ đồng của SCB. Người kế nhiệm ông Thành là ông Bùi Anh Dũng. Ông Dũng biết rõ khoản vay nào là khoản vay của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các khoản vay của bà Lan thì SCB chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền của SCB theo chỉ đạo của bà Lan. Hành vi của ông Dũng đã giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt hơn 104.000 tỷ đồng của SCB.

Trong khi đó, bị cáo Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng của SCB. Theo đó, bà Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty “ma” và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để bà Lan và bà Vân rút tiền từ SCB. Nhằm che giấu thực trạng yếu kém và sai phạm để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Cáo trạng xác định, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, là Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra tại SCB. Quá trình thanh tra, bà Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD từ SCB để chỉ đạo cấp dưới báo cáo, ban hành Dự thảo Kết luận thanh tra không đúng thực trạng và bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

vu-an-van-thinh-phat-1-1-2884.jpg

Các bị cáo trong vụ án đã tự nguyện nộp khắc phục thiệt hại

- Gia đình các bị can: Trương Mỹ Lan, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nhị và Trương Huệ Vân nộp gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD.

- Tạ Chiêu Trung (cựu thành viên HĐQT SCB) nộp 300 triệu đồng.

- Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc SCB) nộp 9,85 triệu cổ phần SCB.

- Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) nộp 300.000 cổ phần SCB.

- Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM&SX Tường Việt) trả cho SCB hơn 813 tỷ đồng, nộp khắc phục 52 tỷ đồng, xin được nộp lại hơn 2.200 tỷ đồng nhận của bị cáo Lan.

- Đỗ Thị Nhàn nộp 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng đã kê biên 1.237 bất động sản liên quan đến bà Lan; 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của 7 bị cáo khác; kê biên 8 bất động sản tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Lan với Tập đoàn Tuần Châu; kê biên 858 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan cùng nhiều tài sản khác.

Tin cùng chuyên mục