Toàn cảnh thảm họa sạt lở vùi lấp người ở Trà Leng, Trà Vân
SGGPO
Giữa đống hoang tàn đầy đất đá sau vụ sạt lở khủng khiếp ở nóc Ông Đề, thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), hàng trăm người dân địa phương cùng lực lượng dân quân, quân đội, công an vẫn đang nỗ lực bằng đôi tay trần lật tung từng miếng tôn, thanh gỗ hay mảng tường để tìm kiếm những người bị nạn.
Tối 28-10, tại thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn; Tại thôn 1 (xã Trà Vân) có 8 người bị vùi lấp.
Ngay trong khuya ngày 28-10, sau khi nhận được thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng.
Trong đêm 28-10 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương tìm kiếm những người bị vùi lấp do sạt lở tại huyện Nam Trà My
Đến 22 giờ cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trình cuộc họp khẩn về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My vùi lấp nhiều người cùng với các bộ, ngành và tỉnh Quảng Nam.
Khu vực xã Trà Leng được đánh dấu bằng mực đỏ trên bản đồ của Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn
Tại cuộc họp xác định đây là sự cố hết sức nghiêm trọng nên phải tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị với phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Đồng thời thống nhất thành lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại huyện Bắc Trà My do con đường từ huyện Nam Trà My đi các địa phương đã sạt lở nghiệm trọng khó tiếp cận.
Đường đến thôn 1 xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) có hàng chục điểm sạt lở
Cùng thời gian với cuộc họp, mọi lực lượng tại các khu vực lân cận vụ sạt lở đã được huy động đến hiện trường phối hợp cùng người dân, chính quyền bắt tay ngay vào việc cứu hộ cứu nạn tại xã Trà Leng và xã Trà Vân.
Để tiếp cận được hiện trường vụ lũ ống tại thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) PV Báo SGGP từ Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Trà My bắt đầu di chuyển theo xe của quân đội khoảng 30km để đến được địa phận huyện Nam Trà My.
Tại đây, do đường gồ ghề khó di chuyển, chúng tôi lại tiếp tục theo xe tải của bà con địa phương dùng để đưa người bị thương ra ngoài để tiếp cận xã Trà Leng. Do tại khu vực xã bị sạt lở nghiêm trọng, chúng tôi cùng các thanh niên của xã tiếp tục đi bộ thêm đoạn đường 12km với hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, bùn ngập quá nửa người mới có thể tiếp cận được hiện trường.
PV Báo SGGP đã theo xe tải của người dân để tiếp cận hiện trường từ trưa ngày 29-10 do nhiều đoạn ngập trong bùn lầy đến nửa mét
Đến điểm nóc Ông Đề, trước mắt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn không thể tả hết bằng lời. Một khu vực rộng gần 1ha gần như bị san phẳng bởi đất, đá và bùn nhão. Nhìn từ phía đầu con suối, một khoảng đồi lớn bị sạt lỡ kéo theo những tảng đá nặng hàng tấn nằm giữa khu làng, khe núi bị xé toạc rộng ra gấp 4-5 lần so với trước kia.
Khu vực trước kia chỉ là con suối nhỏ chạy ven nóc Ông Đè nay bị khoét sâu đến 4-5m
Từng là nơi 11 hộ dân sinh sống bây giờ bị xóa sổ hoàn toàn, nhà cửa, công trình đều bị nằm bẹp sau trận lũ ống. Nhiều ngôi nhà có bê tông kiên cố cũng bị phá vỡ, trôi hàng chục mét nằm sát vào triền đồi.
Hàng trăm người dân phối hợp cùng với dân quân địa phương, bộ đội, công an phải tranh thủ từng giờ để tìm kiếm những người còn mất tích. Từng viên ngói, thanh gỗ nằm lẫn trong đống bùn nhão đều được lật lên, vận chuyển đến nơi khác tìm người bị nạn.
Từng là nơi 11 hộ dân sinh sống bây giờ bị xóa sổ hoàn toàn, nhà cửa, công trình đều bị nằm bẹp sau trận lũ ống
Không khỏi hãi hùng khi kể lại câu chuyện, bà Đoàn Thị Ngọc nói trong nước mắt: "Sau khi nghe tiếng nổ lớn trong mưa, tôi cùng chồng vội chạy lên phía trên núi sau nhà. Tuy nhiên, chồng tôi chậm hơn nên đã bị dòng nước cùng bùn đất cuốn đi. Tôi chờ mấy bữa nay mà vẫn chưa thấy chồng mình đang nằm nơi đâu".
Một xe múc của huyện được đưa đến sửa chữa đường trước khi bão số 9 đổ bộ bây giờ là phương tiện cơ giới lớn duy nhất tiếp cận được hiện trường để hỗ trợ công tác tìm kiếm. Những khối đá lớn, mảng bê tông trước kia từng là nhà được hất sang dòng suối để phục vụ lực lượng tìm kiếm bằng tay.
Phương tiện cơ giới duy nhất tiếp cận hiện trường ngay sau vụ sạt lở xảy ra được điều động đến để sửa chữa đường xá vào những ngày trước đó
Mất nhiều giờ nỗ lực, lực lượng thông tin của quân đội đã đến hiện trường và nhanh chóng thiết lập các điện thoại vệ tinh, thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy tiền phương do toàn bộ khu vực xung quanh bán kính 20km đều mất sóng điện thoại. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ của các lực lượng công binh, hậu cần… đi bộ để tiếp cận được hiện trường liền bắt tay phối hợp với lực lượng có sẵn tại đây để tiếp tục tìm kiếm.
Tiếp cận hiện trường bằng cách đi bộ với PV Báo SGGP, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao nỗ lực cứu hộ, chủ động "4 tại chỗ" trong công tác cứu nạn của huyện Nam Trà My. Ông đề nghị các lực lượng tìm kiếm tại hiện trường bằng mọi giá phải tìm kiếm tất cả nạn nhân. Hy vọng trong ngày mai sẽ tìm được hết người mất tích.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trả lời báo chí tại hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Leng
Đến cuối giờ chiều ngày 29-10, hầu hết đoạn đường đi vào thôn 1 của xã Trà Leng cơ bản được dọn dẹp để các phương tiện có thể đi lại, xe cơ giới đã chỉ còn cách hiện trường khoảng 2km. Đồng thời, lực lượng hậu cần quân đội đã khảo sát khu vực và chọn điểm trường Trà Leng để tổ chức nấu ăn nhằm phục vụ công cuộc tìm kiếm xuyên đêm, các máy phát điện, đèn chiếu sáng công suất lớn cũng được đưa đến.
19 giờ 30 ngày 29-10, lực lượng cứu hộ cứu nạn tạm dừng tìm kiếm để thực hiện câu điện để làm đêm, dự kiến đêm 30-10 sẽ làm mạnh hơn nếu trong ngày không tìm thấy hết những người mất tích.
"Lực lượng cứu hộ tạm dừng tìm kiếm để sắp xếp, lên kế hoạch cho bài bản. Dự kiến ngày mai (30-10) còn đưa cho nghiệp vụ, flycam để tìm kiếm dọc sông và khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2", ông Bửu cho hay.
Sáng 30-10, các lực lượng đã cơ bản dọn dẹp các điểm sạt lở trên tuyến đường liên thôn của xã Trà Leng, hàng chục ngàn m³ bùn đất, cây cối được dọn dẹp để xe cơ giới tiếp cận gần nhất với hiện trường.
Đến 10 giờ sáng nay 30-10, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã bắt đầu có mưa to, công tác tìm kiếm người gặp nạn càng trở nên khó khăn hơn khi nguy cơ sạt lở tiếp tục chực chờ. Hàng trăm người dân địa phương, lực lượng chức năng phải tranh thủ từng phút, từng giờ để tìm kiếm các nạn nhân còn đang bị chôn vùi dưới cả triệu mét khối bùn đất nhão nhoẹt.
>>> Một số hình ảnh vụ sạt lở và công tác tìm kiếm người bị nạn tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Lực lượng công binh Quân khu 5 sắp xếp quân tư trang để hành quân vào khu vực sạt lở vào sáng 29-10
Một cán bộ quân đội đánh dấu các điểm sạt lở đến báo về Sở Chỉ huy tiền phương
Để tiếp cận hiện trường thời gian ban đầu cần đi bộ khoảng 12km đường bùn đất có nơi cao quá nửa người
Đường vào thôn 1 xã Trà Leng ngổn ngan bùn đất và cây cối chắn ngang
Nhiều đoạn đường bị nước khoét hở hàm ếch, nước chảy siết cực kỳ nguy kiểm
Để đi qua hiện trường chỉ cách 200m vẫn phải lội qua một con suối nước chảy rất siết, cực kỳ nguy hiểm
Những người may mắn sống sót nhưng bị thương được người dân các thôn lân cận đưa cáng võng vượt núi ra ngoài để cấp cứu
Đưa người bị thương xuống đường chính để lực lượng cứu hộ cấp cứu
Một quán tạp hóa tại đường chính được lực lượng quân y trưng dụng làm nơi sơ cấp cứu ban đầu người bị nạn trước khi chuyển đến bệnh viện
Lực lượng bộ đội thông tin đưa các máy điện thoại vệ tinh để Sở Chỉ huy tiền phương liên lạc trực tiếp với hiện trường
Quân đội, công an lật tung đống hoang tàn để tìm kiếm người bị nạn
Đến gần trưa ngày 30-10, lực lượng chức năng đã tìm được thêm 1 thi thể người bị nạn tại thôn 1 xã Trà Leng