Không giao công trình để ở
Căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm của bà Hoàng Trọng Anh Chi được UBND quận 1 cấp giấy phép xây dựng vào tháng 4-2015. Đến tháng 10-2017, bà Chi ký hợp đồng giấy tay sang nhượng cho bà Hoàng Thị Thu Thảo với giá 25 tỷ đồng - hợp đồng ghi nhận công trình đã xây dựng được khoảng 80%. Bà Chi nhận tiền đặt cọc 7 tỷ đồng (chờ sau khi hoàn công sẽ ra công chứng ký bán chính thức và bàn giao toàn bộ hồ sơ nhà). Tuy nhiên, theo Điều 2 của hợp đồng, khi đặt cọc, bên mua được tiếp quản công trình, làm việc với nhà thầu “can thiệp trực tiếp vào công việc thi công còn lại như thay đổi tiến độ, thay đổi cách bố trí sắp xếp vị trí phòng, điện nước…”.
Sau đó, công trình bị phát hiện sai phạm, ngày 23-11-2017 bị Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định 1761 xử phạt vi phạm hành chính. Do chủ nhà không tự tháo dỡ phần vi phạm nên ngày 12-1-2018, Thanh tra ban hành Quyết định 153 cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Thế nhưng, quyết định vẫn không được thực hiện nên chủ đầu tư bị lập biên bản nhiều lần và ra quyết định cưỡng chế lần 2 vào tháng 1-2019.
Do công trình xây sai, không hoàn công để tiến hành thủ tục mua bán được nên tháng 4-2018, bà Thảo kiện ra TAND quận 1 yêu cầu bà Chi trả số tiền cọc 7 tỷ đồng và số tiền phạt tương đương cọc là 7 tỷ đồng, cùng với số tiền đã đưa để hoàn thiện công trình là 1,8 tỷ đồng và 400 triệu đồng. Tổng cộng là 16,2 tỷ đồng (theo Thông báo thụ lý vụ án dân sự số 100/2018/DSST về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà). Tuy nhiên, 6 tháng sau (tháng 10-2018), tòa ra Quyết định 123 tạm đình chỉ giải quyết vụ án do “cần đợi kết quả thu thập chứng cứ của UBND quận 1”.
Biên bản thừa phát lại: Hơn 5 giờ tranh giành nhà
Dù việc đòi cọc đang được tòa xử lý, nhưng theo thông tin của Công an quận 1, từ tháng 3-2019, bà Thảo đã vào ở và dùng một phần căn nhà nói trên để làm dịch vụ cho thuê phòng. Trong khi trước đó (tháng 12-2018), UBND phường Đa Kao có lập biên bản ghi rõ ý kiến của Thanh tra Sở Xây dựng và UBND phường kết luận “để đảm bảo an toàn, yêu cầu các bên không được bố trí người ở lại”. Rồi tháng 1-2019, Thanh tra tiếp tục ra quyết định cưỡng chế lần 2, buộc bà Chi tự tháo dỡ công trình vi phạm (cả phần hợp khối lẫn phần hoàn thiện dùng ban công làm phòng ngủ), nhưng chẳng những không được thực hiện mà công trình lại bị bà Thảo đưa vào sử dụng.
Ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên) là người được bà Chi ủy quyền có công chứng từ ngày 8-1-2019 để tham gia giải quyết toàn bộ tranh chấp nhà và được thuê đơn vị thứ 3 tham gia xử lý tranh chấp. Do vậy, ông Tùng đã thuê thừa phát lại, gửi thông báo đến nhà bà Thảo thông báo việc đến lấy lại nhà. 14 giờ 30 ngày 19-9-2019, ông Tùng cùng thừa phát lại tới nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm để “ghi nhận việc thu hồi mặt bằng tại 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm phường Đa Kao, quận 1”, kéo dài đến 19 giờ cùng ngày. Cùng đi có ông Nguyễn Hải Nam và các nhân viên công ty bảo vệ mà Tùng thuê. Nhưng bà Thảo vắng mặt, trong nhà có người dọn phòng, có khách nước ngoài lưu trú, người giúp việc và 3 đứa bé.
“Bên ngoài nhà có người la lối lớn tiếng, xưng là em bà Thảo, sau đó có mấy người đến cùng lớn tiếng theo. Lúc 14 giờ 55 thì công an, bảo vệ dân phố phường Đa Kao xuống giữ trật tự. Ông Tùng thu xếp thuê một phòng ở khách sạn đầu hẻm 29 để các bé và người lớn qua ở, cho thời gian suy nghĩ rất lâu nhưng những người lớn đều thống nhất không ra. Đến 17 giờ 40, ông Tùng gọi taxi tới, ông Tùng, cô Tâm (người đi cùng) bế các bé ra ngoài nhưng bị chặn lại, nên xuống xe. Họ tính bế các bé đi bộ ra ngoài phòng khách sạn. Bị ngăn cản nên họ không bế các bé đi được, trả lại cho người giữ trẻ. Tới 18 giờ 20, người nhà bà Thảo không còn ai trong nhà, ông Tùng để lại một số bảo vệ. Tới 19 giờ, bà Thảo vẫn chưa về, mọi người từ từ giải tán”, nội dung vi bằng ghi.
Đến 2 ngày sau (22-9), bà Thảo gửi đơn tố cáo ông Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam và bà Nguyễn Thị Hạnh về hành vi chiếm nhà, đánh người giúp việc và bắt trẻ em (bà Thảo cũng là người nộp đơn xin tá túc ở tòa gây xôn xao dư luận trước đó). Ngày 27-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở người khác” theo Điều 158 Bộ luật Hình sự; sau đó tống đạt lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng về tội “Xâm phạm chỗ ở người khác”.
Điều này đã tạo ra xôn xao dư luận trong những ngày qua với nhiều quan điểm trái chiều rằng: Nguyễn Hải Nam có thuộc quyền điều tra Công an quận 1 hay không, khi mà “thẩm phán” thuộc đối tượng xét xử của tòa cấp tỉnh (thành phố); tại sao công an cấp huyện có 20 ngày để xem xét đơn tố cáo, mà trong đơn ghi rõ chức danh thẩm phán nhưng Công an quận 1 lại không làm rõ để chuyển đơn lên cấp trên theo đúng thẩm quyền, mà khởi tố, bắt giam 2 bị can; nhà bà Thảo ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Chi, nội dung tranh chấp đòi cọc chứ không tranh chấp chủ quyền nhà, vậy bà Chi ủy quyền người khác lấy lại nhà của bà thì có phạm tội “xâm chiếm chỗ ở người khác” hay không…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo tới.
UBND quận 1… chờ báo cáo! Ngày 6-10, Báo SGGP đăng bài “Công trình nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1: Chưa thực hiện cưỡng chế, vẫn để tiếp tục xây sai”, đặt vấn đề về trách nhiệm của quận 1 và Sở Xây dựng TPHCM thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xây dựng vi phạm kéo dài, dẫn đến tranh chấp đòi nhà và kết quả là 2 người bị bắt vì hành vi xâm phạm chỗ ở người khác. Cụ thể, dù có đến 2 quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ từ đầu năm 2018 và 2019 nhưng chính quyền không thực hiện nghiêm. Kết quả, người không phải chủ sở hữu hợp pháp đã hoàn thiện công trình, đưa vào sử dụng, kinh doanh cho thuê phòng. Sáng ngày 7-10, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến. Chúng tôi đặt câu hỏi, đối với công trình xây dựng nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 2 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (tháo dỡ phần vi phạm) và đề nghị UBND quận 1 thực thi, song tại sao quận 1 không thực hiện? Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến cho biết vừa chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ pháp lý đến quá trình xử lý của quận, nên chưa trả lời được cho báo chí, khi nào có kết quả sẽ cung cấp ngay. Cũng về nội dung trên, chúng tôi liên hệ với ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, phụ trách đô thị. Ông Hòa cho biết vì mới choàng gánh công việc của ông Đoàn Ngọc Hải (cựu Phó Chủ tịch UBND quận 1) nên không biết lý do tại sao quận không xử lý, cưỡng chế công trình vi phạm theo các quyết định của Sở Xây dựng. Ông đang yêu cầu Phòng Quản lý đô thị và phường Đa Kao báo cáo về sự việc trên. Liên hệ với ông Đoàn Ngọc Hải, là Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách mảng đô thị trước đây - người ký giấy phép xây dựng công trình 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì ông Hải cáo bận. Chúng tôi liên hệ với Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM - người ký quyết định cưỡng chế - thì được trả lời, sở đã liên tục ban hành các quyết định và văn bản nhắc nhở nhưng trách nhiệm cưỡng chế thuộc UBND quận và phường. Đối với việc để công trình xây dựng sai phạm đã có quyết định đình chỉ thi công vẫn tiếp tục thi công, điều này thuộc trách nhiệm của Thanh tra xây dựng địa bàn quận 1 và UBND phường. Hiện nay vụ “xâm phạm chỗ ở của người khác” xảy ra tại nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Vụ việc “xâm phạm chỗ ở” xảy ra đã 20 ngày, chỉ sau 10 ngày công an quận đã bắt người. Còn việc vi phạm xây dựng xảy ra cách đây gần 2 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa được chính quyền trả lời về trách nhiệm trong việc không thi hành các quyết định xử lý của cơ quan chức năng. |