Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT quan điểm ngay từ đầu là đặt mục tiêu sức khỏe của người học lên trên hết. Theo tinh thần của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, quan điểm của Bộ là xuất phát từ tình hình dịch và đề xuất của các Sở GD-ĐT, Sở Y tế để quyết định cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm sức khỏe.
“63/63 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học, quan trọng nhất là nhận thức của giáo viên trong toàn ngành về phòng dịch. Bên cạnh đó, trong thời gian này, các cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện vệ sinh sạch sẽ trường lớp, tăng cường các thiết bị y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường”, ông Nguyễn Hữu Độ nói.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, các cơ sở giáo dục cũng sẽ có điều kiện xây dựng các phương án phòng chống dịch trực tiếp tại trường như phải rửa tay trước khi vào lớp, học sinh đeo khẩu trang trước khi đến trường…
Liệu việc nghỉ học có ảnh hưởng đến kết hoạch giáo dục? Bộ GD-ĐT cho hay, trong kế hoạch năm học, Bộ GD-ĐT cũng đã dự kiến có 1 tuần lễ trong 1 học kỳ có thể cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết. Học sinh có thể học bù vào buổi sáng nếu học sinh học buổi chiều hoặc học vào thứ bảy, chủ nhật.
Trong trường hợp phải nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh khung thời gian năm học, cụ thể là thời gian quy định kết thúc năm học là 31-5 thì có thể kết thúc năm học muộn hơn và có thể điều chỉnh thời gian tổ chức thi THPT Quốc gia, thường là cuối tháng 6. Tinh thần chung là học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chương trình giáo dục đào tạo, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.