Tòa yêu cầu Bộ Công an giám sát riêng một bị cáo khi gặp luật sư bào chữa vụ Vạn Thịnh Phát

Chiều 5-3, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa tiếp tục công bố cáo trạng truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn VTP), Ngân hàng SCB và các công ty liên quan.

z5219164314667-0545c3ad31f5bb47ba5df7ee01b314b0-2038.jpg
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà công bố cáo trạng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại diện VKS cho biết, Tập đoàn VTP có trụ sở tại phường Cô Giang (quận 1, TPHCM). Quá trình hoạt động, Tập đoàn VTP đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (gọi tắt là Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát). Trong đó, Tập đoàn VTP giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

z5219285190491-97c7ee8fe555d50fa3b7f6aec3e10cb2-7292.jpg
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà công bố cáo trạng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê/nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty; được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, gồm: SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn VTP.

Thứ hai là nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên. Có thể kể đến Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng…

Thứ 3 là nhóm các công ty được gọi công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…

Thứ tư là mạng lưới công ty tại nước ngoài, Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

z5219285208711-289089a802056614394d28833f4a1b96-8792.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mặc dù không giữ chức vụ trong SCB nhưng do luôn nắm giữ từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần SCB nên Trương Mỹ Lan có “quyền lực” cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB ngay từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án. Trương Mỹ Lan còn là chủ Tập đoàn VTP và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái.

z5219554007795-d9e64398ec0264f1fcacb22c56800a7e-8144.jpg
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà công bố cáo trạng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội bằng nhiều phương thức. Đó là việc tuyển chọn, bố trí nhân sự là những người thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt SCB để nắm quyền điều hành. Cùng với đó là lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan và chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo…

z5219545584757-d00ace16d10c4fd3e19f4e6566be959f-5855.jpg
z5219556091080-188219943709bff1c544852484130f65-3723.jpg
Xe rời toà án về lại T30 Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bị cáo còn tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB; câu kết, tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB cũng như thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.

Các bị cáo cũng không hoàn thiện thủ tục thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu. Trương Mỹ Lan còn mua chuộc cán bộ, lãnh đạo tại các cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm.

Trương Mỹ Lan sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó tổ chức, chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Tập đoàn VTP câu kết, lập hồ sơ hợp thức hóa các khoản vay để rút ra rất nhiều khoản tiền lớn, để Lan sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Vì đều là các khoản vay khống, do vậy khi đến hạn không trả được nợ, Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống khác, số tiền Lan rút ra sử dụng ngày càng nhiều dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Từ ngày 1-1-2012 đến 7-10-2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ vay, giải ngân 2.257 khoản với hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17-10-2022, còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỷ đồng, lãi/phí 193.315 tỷ đồng). Nợ gốc của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc tại SCB.

Hành vi này là vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng. Từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2017, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay. Từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, bị cáo tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Phiên toà kết thúc vào lúc 17 giờ 30 phút. 8 giờ sáng mai (6-3), VKS tiếp tục công bố cáo trạng.

Chiều nay sau giờ giải lao, trước khi đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng, chủ toạ phiên toà đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát bảo vệ tư pháp chú ý riêng bị cáo Chu Lập Cơ. Bị cáo Chu Lập Cơ nếu trong quá trình giải lao có gặp gỡ, trao đổi với luật sư bào chữa cho bị cáo thì phải có sự giám sát của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03).

Tin cùng chuyên mục