Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) khẳng định mình chỉ giúp đàn em “làm thêm”, không chỉ đạo buôn lậu vàng. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Theo cáo trạng, trưa 30-10-2020, Công an tỉnh An Giang tuần tra tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc thì bị cáo phát hiện Nguyễn Hoàng Út (52 tuổi, ngụ Châu Đốc) điều khiển chiếc vỏ lãi từ hướng Campuchia đến khu vực khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn cặp vào bờ đường Tuy Biên.
Cùng lúc, có các bị cáo Nguyễn Văn Minh (32 tuổi, ngụ Châu Đốc), Trần Văn Hải (33 tuổi, ngụ Tân Châu), Nguyễn Hữu Phước (33 tuổi), Võ Văn Trung (43 tuổi) đi bộ đến vỏ lãi của Út lấy 3 bọc ni lông, bên trong có hơn 50,9kg vàng nguyên liệu 99,99%, giá trị trên 71,745 tỷ đồng để lên 2 xe máy chờ sẵn thì bị công an bắt giữ.
Kết quả điều tra cho thấy Trần Thị Thảo Trang (chủ tiệm vàng Thảo Kim Thành), Nguyễn Thị Tuyết Vân (chủ tiệm vàng Vân An), Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (chủ tiệm vàng Kim Ngọc Mai), Trương Văn Liêm (chủ tiệm vàng Trương Liêm) và Trương Thái Nguyên (chủ tiệm vàng Trương Hưng, đều tọa lạc tại TP Châu Đốc) và Dương Công Cường (73 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) có thỏa thuận chuyển tiền USD từ Việt Nam sang Campuchia và mua vàng của Tuốt, Hía, Pha Na (đang sinh sống tại Campuchia) chuyển về Việt Nam.
Tuốt, Hía, Pha Na thuê Hạnh vận chuyển USD, vàng giao cho Vân, Nghĩa, Cường và Nguyên để Nguyên giao lại cho Trang; tiền công vận chuyển mỗi 100.000 USD là 70 USD, mỗi kg vàng là 15 USD.
Để vận chuyển USD, vàng qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia, bị cáo Hạnh thuê và phân công Mai Thị Ngọc Phấn, Phạm Tấn Lộc trực tiếp liên hệ với Nguyên, Cường, Vân, Nghĩa nhận USD, giao vàng và nhận tiền công vận chuyển.
Lộc, Bạch Vân kiểm đếm số lượng USD, vàng rồi cùng Hoàng Út, Võ Văn Trung, Nguyễn Hữu Phước, Trần Văn Hải, Trần Văn Minh vận chuyển USD sang Campuchia và nhận vàng vận chuyển về nhà của Hạnh để giao lại các tiệm vàng.
Tại tòa, bị cáo Hạnh thay đổi lời khai, cho rằng mình chỉ đứng ra bảo lãnh để đàn em mua vàng kiếm thêm thu nhập, không chỉ đạo buôn lậu như cáo buộc. Còn các bị cáo đàn em thì khai làm theo chỉ đạo của bị cáo Hạnh, không biết vận chuyển hàng gì.
Hội đồng xét xử đánh giá lời khai của các bị cáo mâu thuẫn. Các bị cáo hầu hết đều có thâm niên kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, thậm chí bị cáo Trang là chủ tiệm vàng lớn ở TPHCM mà khai trả tiền nhưng không biết là để mua vàng thì rất vô lý.
Phiên toàn xét xử vụ án buôn lậu do Mười Tường cầm đầu tạm hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ảnh: CTV. |
Đến nay, Nguyễn Thị Kim Hạnh (tên thường gọi Mười Tường) đã bị khởi tố tới 6 tội danh. Trong đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố Mười Tường tội danh “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”; còn Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố Mười Tường về 5 tội danh gồm: Tội “Buôn lậu đường cát” năm 2018; tội “vận chuyển trái phép 470.000 USD qua biên giới” năm 2019; tội "buôn lậu 51kg vàng" năm 2020; tội "vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới” năm 2020 và tội “rửa tiền” năm 2021.
Đây là lần thứ tư “trùm” buôn lậu Mười Tường hầu tòa. Các lần ra tòa trước đây, Mười Tường đã nhận tổng cộng 23 năm tù cho các tội danh buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.