Những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo gương Bác đã tạo sự lan tỏa, trở thành những hình mẫu cụ thể, chân thực, thuyết phục; qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành nghề.
Báo SGGP khởi đăng vệt bài “Tỏa sáng theo gương Người” giới thiệu đến bạn đọc những cách làm hay, mô hình hiệu quả đã tạo hiệu ứng tích cực, mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng và nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận và đánh giá cao vai trò, vị trí của thanh niên đối với công cuộc xây dựng đất nước. Bác luôn đặt niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào lực lượng thanh niên. Trong Di chúc của mình, Bác khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, phần lớn là do thanh niên”. Học tập tấm gương của Người, bằng tinh thần và trách nhiệm, tuổi trẻ TPHCM đã chung sức mang chuyên môn của mình để phục vụ người dân, đóng góp sức trẻ xây dựng xã hội, nhất là trong những thời điểm cả nước cần sự chung tay của toàn dân tộc.
Thỏa ước mơ…
Dù đã hơn 3 giờ chiều, nhưng cái nắng gay gắt của những ngày giữa tháng 5 đã làm bà Lê Thị Mười (58 tuổi) sống tại Doi Mỹ Khánh - một ấp của xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ, TPHCM) vô cùng bức bối. Bước ra sau hè, bà Mười đưa tay mở vòi nước rửa mặt cho người mát mẻ. “Gần 1 năm trước, đoàn viên thanh niên đã kéo nước máy về cho nhà tôi và bà con nơi đây. Nhờ đó mà nhà nhà có nước sạch để sử dụng”, bà Mười nói trong niềm vui. Trước đây, để có nước ngọt sử dụng, người dân sống tại Doi Mỹ Khánh phải vất vả đi chở từng ghe trong đất liền. Giờ đây, nhờ công trình lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho người dân của đoàn viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) mà nước đã được kéo đến từng nhà, giúp người dân thỏa ước mơ dùng nước sạch.
Đó chỉ là một trong rất nhiều công trình ý nghĩa mà đoàn viên Mai Thanh Tuyền, Phó Bí thư Đoàn Sawaco, đã cùng đoàn viên thanh niên tổng công ty thực hiện trong thời gian qua. Bằng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của người trẻ, Thanh Tuyền và tuổi trẻ Sawaco còn thực hiện các hoạt động mang nước sạch phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa; xung kích tham gia giảm tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn TPHCM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm để tuyên truyền bảo vệ nguồn nước, thay đổi thói quen sử dụng nước ngầm của người dân. Trong đó, nhiều công trình đã đoạt giải thưởng Hồ Hảo Hớn do Thành đoàn TPHCM tổ chức. Chia sẻ về những việc làm ý nghĩa phục vụ người dân, Thanh Tuyền cho biết, bản thân luôn ý thức mình là người trẻ thì cần phải xung kích để mang lại thật nhiều lợi ích cho xã hội. Và việc gì có ích cho người dân thì phải làm hết sức mình.
Ý thức rõ trách nhiệm của tuổi trẻ trong tham gia bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, nhiều tấm gương thanh niên với những việc làm thiết thực vì sự bình yên của nhân dân đã được biểu dương. Tiêu biểu có thể nhắc đến là Thượng úy Trần Lê Bảo, cán bộ trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TPHCM.
Hơn 8 năm làm trinh sát về ma túy, Thượng úy Trần Lê Bảo không nhớ hết những nhiệm vụ mình đã tham gia, những vụ án mà mình cùng đồng đội khám phá. Nhưng nhờ sự kiên trì, mưu trí, Trần Lê Bảo cùng đồng đội đã luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, bắt giữ được nhiều đối tượng cầm đầu, tạo tiếng vang lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Trần Lê Bảo chia sẻ, mỗi một nhiệm vụ đều có những khó khăn riêng, do vậy cần sự mưu trí ứng biến của người trinh sát và đồng đội. Việc anh và đồng đội phải chia nhau ổ bánh mì, chai nước hay nhiều lần nhịn đói do phải đeo bám đối tượng trong thời gian dài là chuyện rất bình thường.
Trong năm 2019, Thượng úy Trần Lê Bảo cùng tập thể đội trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phá 4 vụ án lớn về ma túy, trong đó bắt và khởi tố 9 đối tượng, tịch thu hơn 54kg ma túy đá, 21 bánh heroin, hơn 20.000 viên thuốc lắc. Ngoài ra, Trần Lê Bảo còn phối hợp với các chi đoàn khác để tuyên truyền về tác hại của ma túy, phổ biến pháp luật đến giới trẻ, giúp các em không sa vào tệ nạn ma túy.
Vì thành phố thân yêu
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch Covid-19. Trong cuộc chiến với dịch bệnh mang tính chất toàn cầu này, sự đồng lòng, chung sức của toàn dân tộc đã chiến thắng. Còn nhớ, khi dịch Covid-19 lần đầu ập đến nước ta, 2 ca dương tính đầu tiên được điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TPHCM). Là một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Bí thư Đoàn BV Chợ Rẫy, đã dồn tâm huyết và trí tuệ, nỗ lực vừa điều trị vừa tham gia điều hành đội phản ứng nhanh.
Kể về những ngày phải gồng mình chống dịch, bác sĩ Sang chia sẻ: “Đặc trưng của cán bộ Đoàn là lúc nào cũng sẵn sàng xung kích, nhiệm vụ nào khó khăn thì người đoàn viên phải đi đầu. Trong lúc tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên, tôi cũng như toàn thể đội ngũ y, bác sĩ BV đều xác định rõ là phải điều trị cho ca này thật hiệu quả; đồng thời phải cách ly nguồn bệnh một cách an toàn, không để lây chéo trong đội ngũ y, bác sĩ BV cũng như bệnh nhân đang điều trị tại BV”. Không riêng trong thời kỳ chống dịch Covid-19, mà những năm qua, nhờ sự năng nổ, hoạt bát của người thủ lĩnh Đoàn Nguyễn Ngọc Sang mà Đoàn BV Chợ Rẫy đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến người dân. Trong đó, có chương trình “Một ngày đến với BV Chợ Rẫy” đã giúp các bạn trẻ thấy được hậu quả của việc vi phạm luật giao thông hoặc bất cẩn khi tham gia giao thông; tổ chức các đoàn đến vùng sâu, vùng xa khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân.
Bằng nhiệt huyết của mình, ở lĩnh vực chuyên môn nào, người trẻ TPHCM cũng nỗ lực cống hiến sức trẻ, trí tuệ. Trong guồng máy đang trên đà phát triển, người trẻ TP không chỉ quan tâm đến những vấn đề thời sự mà còn luôn đau đáu về những giá trị truyền thống. Trong đó, công tác giảng dạy, giáo dục truyền thống về đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn là nội dung mà nhiều đơn vị, trường học đẩy mạnh để giáo dục thanh thiếu niên. Song, việc tổng hợp về tiểu sử, hình ảnh và tư liệu của các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng ở mỗi đơn vị, mỗi giáo viên, nhà trường đôi khi chưa đồng bộ hoặc thông tin chưa đầy đặn. Vì vậy mà mô hình Công trình số hóa các bia mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM của Đoàn Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) đã phần nào giải quyết câu chuyện trên. Đặc biệt, với mô hình này, việc tìm kiếm thông tin vị trí các phần mộ của liệt sĩ cũng nhanh gọn hơn.
Ông Phạm Hữu Tình (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, hơn 3 năm nay ông mới có dịp trở lại TPHCM và đến thăm mộ anh trai là liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Vì tuổi cao nên ông Tình không nhớ vị trí mộ anh trai nằm giữa hàng chục ngàn ngôi mộ tại đây. Nhờ công trình số hóa các bia mộ liệt sĩ, ông Tình đã xác định được vị trí ngôi mộ cần tìm chỉ sau vài phút.
Đến nay, công trình đã tích hợp toàn bộ dữ liệu các bia mộ của hơn 14.000 liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố và của 8.000 liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi vào bản đồ số. Công trình số hóa còn hỗ trợ chức năng giúp gia đình, thân nhân, đồng đội chủ động cung cấp những di vật, tư liệu, câu chuyện của các anh hùng liệt sĩ, tạo nguồn dữ liệu phong phú cho công tác giáo dục.
Có thể nói, ở mỗi việc làm, mỗi công trình mà người trẻ TPHCM thực hiện đều noi theo lời dạy của Bác Hồ. Học tập tấm gương của Người, bằng tinh thần và trách nhiệm, tuổi trẻ TPHCM đã chung sức mang chuyên môn của mình phục vụ người dân, đóng góp sức trẻ xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.