Bác cũng dành nhiều sự quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam. Noi theo sự quan tâm của Người, ngày càng nhiều cách làm, mô hình chăm lo chu đáo đời sống công nhân, người lao động, nông dân, phụ nữ… trên địa bàn TPHCM.
Cải thiện đời sống người làm công
Là một cán bộ công đoàn, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH liên doanh Hoa Việt (quận 9), luôn tâm đắc với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống, bữa ăn, bảo vệ sức khỏe của công nhân. Bác từng dạy: “Mục đích của công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân…”, “Nếu đời sống được cải thiện và mọi người được khỏe mạnh thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất…”.
Học tập tấm gương của Bác, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, ông Nguyễn Văn Tâm phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên, tổ trưởng để nắm tình hình, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người lao động. Tiền ăn giữa ca của người lao động trước đây là 22.000 đồng/suất, nhiều người phản ánh khẩu phần như vậy còn thấp, chưa đảm bảo tốt chất lượng bữa ăn.
Ghi nhận tâm tư này, ông Tâm đã đề xuất Ban Tổng giám đốc công ty nâng tiền ăn lên 25.000 đồng/suất; tiền mừng, tặng quà cho người lao động tăng 33% vào năm 2019. Từ đề xuất của ông Nguyễn Văn Tâm, mỗi nhân viên đã được công ty trích thưởng mức 2 tháng lương. Chủ tịch Công đoàn cơ sở còn thường xuyên nhắc nhở các ủy viên và tổ trưởng giám sát các chế độ, chính sách như ký kết hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội cho 100% người lao động.
“Người lao động là vốn quý của doanh nghiệp (DN). Chăm lo, cải thiện đời sống của người lao động cũng chính là giúp cho DN “bảo dưỡng” được nguồn tài sản quý giá này, góp phần ổn định quan hệ lao động hài hòa tại DN và phát triển sản xuất. Rất thấm thía các lời Bác dạy về chăm lo người lao động nên tôi có ý thức học hỏi, làm theo”, ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ.
Cùng một tấm lòng học Bác để chăm lo tốt hơn cho đời sống người lao động, chị Đào Thị Thoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nhà Bè, đã đề xuất lãnh đạo công ty tăng thu nhập cho anh em hàng năm từ 10% đến 15%. Chị Thoa đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; 100% người lao động được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Tương tự, tại Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi), Công đoàn cơ sở đã tạo được cầu nối để Ban giám đốc công ty cùng tham gia với nhân viên trong các hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho người lao động. Công đoàn cơ sở tổ chức thương lượng cùng Ban giám đốc công ty nâng thêm tiền phụ cấp chuyên cần lên mức 350.000 đồng/người/tháng và mua bảo hiểm 24 giờ cho toàn thể người lao động. Tất cả phúc lợi thương lượng được công khai thực hiện.
Lan tỏa tinh thần tương thân tương ái
Sau 16 năm thành lập, Kelly Pang (Công ty TNHH Linh Pang) trở thành công ty hàng đầu tại Việt Nam chuyên về đào tạo nghề chăm sóc và trang trí móng với các chi nhánh đào tạo ở TPHCM. Và điều đáng quý là suốt những năm qua, Kelly Pang luôn hướng đến mục tiêu tạo giá trị xã hội lớn, nhất là trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ.
Mỗi năm, Công ty TNHH Linh Pang đào tạo hàng ngàn thợ nail khắp cả nước, giúp nhiều chị em phụ nữ có được việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Học viên ở các tỉnh, địa bàn xa TPHCM đến học đều được công ty hỗ trợ khu lưu trú miễn phí.
Đặc biệt, hàng năm công ty đào tạo nghề miễn phí cho 50 hội viên phụ nữ nghèo - đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, diện chính sách, với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng, trao cho họ “cần câu” để ổn định cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, những chị em này có thể mở tiệm riêng hoặc được công ty nhận vào làm.
Ngoài đào tạo chuyên môn, Chi hội Phụ nữ Kelly Pang cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội để chị em trong công ty tham gia cùng cộng đồng, như đến thăm và trao tặng bồn nước mới cho gia đình chiến sĩ hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại Đồn biên phòng xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), đến thăm và trao sinh kế, tặng học bổng cho các hội viên phụ nữ còn khó khăn... Hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ và đóng góp cho an sinh xã hội của Kelly Pang đã tạo sức lan tỏa tích cực về tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Với ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), học và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết thực nhất chính là thường xuyên giúp đỡ nông dân trên địa bàn ấp cùng phát triển sản xuất, giúp nhau làm giàu và xây dựng nông thôn mới. Ông Lâm đã đầu tư sản xuất muối trên nền trải bạt với diện tích 1,5ha, thu hoạch trên 160 tấn muối/năm và giúp cho 10 lao động có việc làm ổn định.
Ngoài việc làm muối trải bạt, làm đầm, ông Lâm còn mở thêm dịch vụ sơ chế từ muối trắng thành muối ớt, muối tôm, muối sả, muối và thảo dược, để cung cấp cho thị trường và phục vụ khách du lịch khi đến ấp đảo Thiềng Liềng tham quan. Riêng việc này đã góp phần tạo thêm thu nhập cho 8 hội viên nông dân nghèo 3,5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng ở xã.
San sẻ trách nhiệm cùng cộng đồng
Nhiều năm nay, Phòng khám từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 3 quận Gò Vấp đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều cựu chiến binh và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; bởi đến đây, họ được khám và cấp thuốc miễn phí, sức khỏe có nhiều cải thiện. Phòng khám hoạt động từ 8 giờ đến 11 giờ, thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 - 30 bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Nhiều (81 tuổi, ngụ 99/695S Nguyễn Kiệm) kể: “Mỗi khi ho, cảm, đau khớp, đau thắt lưng… tôi đều đến đây khám. Các bác sĩ và nhân viên ở đây rất tốt, chu đáo, chữa hay nên mọi người thương mến lắm”.
Người đóng góp rất nhiều công sức cho hoạt động của Phòng khám từ thiện là bác sĩ chuyên khoa 2, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Đồng, người có hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Quân y 175. Sau khi nghỉ hưu, biết được Phòng khám từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 3 quận Gò Vấp tái lập và cần người góp sức, bác sĩ Đồng không ngần ngại nghỉ công việc đang cộng tác với phòng khám tư nhân để tham gia.
Cùng chung tâm huyết giúp sức duy trì hoạt động của phòng khám từ thiện còn có thêm 3 bác sĩ, 2 dược sĩ, 2 lương y, 7 điều dưỡng đã nghỉ hưu, có thâm niên và tay nghề cao; tất cả đều là hội viên Hội Cựu chiến binh, và đều tình nguyện làm việc không lương. Trang thiết bị và kinh phí hoạt động do Bệnh viện Quân y 175, Đảng ủy, UBND phường 3 quận Gò Vấp, các mạnh thường quân và hội viên Hội Cựu chiến binh phường chung tay hỗ trợ.
Từ năm 2014 (thời điểm phòng khám từ thiện tái lập) đến nay, phòng khám đã tổ chức khám bệnh hơn 22.000 lượt người, cấp thuốc 4.369 lượt người, trong đó có 1.034 ca điều trị đông y. Bên cạnh đó, mỗi tuần 2 buổi, một số thành viên của phòng khám cũng tham gia các buổi nấu cháo phục vụ bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn; tổng cộng đã được 16.320 suất cháo, giá trị 163 triệu đồng.
Bác sĩ Đồng tâm sự: “Giảm được gánh lo về chi phí, giúp cho bệnh nhân yên tâm điều trị chính là phương châm của y bác sĩ nơi đây”. Bằng hành động thiết thực, bác sĩ Đồng và các đồng nghiệp tại phòng khám từ thiện đã và đang từng ngày góp sức cùng cộng đồng san sẻ gánh nặng của những bệnh nhân nghèo.