Với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, nước Nga không chỉ là nơi đã từng nuôi sống họ bằng sự cưu mang đùm bọc, bằng tình yêu thương vô bờ, đất nước anh hùng và những tấm lòng nồng hậu ấy đã đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nòng cốt cho đất nước Việt Nam. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, họ - những người từng học tập tại Nga đã nhắc nhớ lại những kỷ niệm về “quê hương thứ hai” của mình.
Nước Nga là quê hương thứ hai
Chương trình họp mặt văn nghệ sĩ là những cựu sinh viên - học sinh từng du học tại nước Nga, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức ngày 5-11 đã diễn ra trong không khí ấm nồng yêu thương như thế.
Với NSƯT - đạo diễn sân khấu Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II - TPHCM, những năm tháng được đi học ở Nga là những tháng ngày không thể nào quên.
NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng tâm sự: “Từ tập thể giảng viên ở trường cho đến những người dân Nga, tất cả đều hỗ trợ hết mình và yêu thương chúng tôi - những lưu học sinh Việt Nam - như chính những người con của họ vậy. Những năm tháng ấy, những tình cảm ấy có lẽ sẽ mãi theo chúng tôi đến suốt cuộc đời. Đất nước Nga, những con người Nga thủy chung, hồn hậu đã để lại trong tôi những ký ức không thể quên. Nước Nga đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”.
Đó là ký ức của hàng ngàn thanh niên Việt Nam từ những năm của thập niên 60 thế kỷ trước. Những năm tháng chiến tranh, đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đối với những người con Việt Nam được đi học tập tại Nga ngoài niềm vinh dự, còn là một trách nhiệm hết sức nặng nề, đó là học tập để trở về dựng xây đất nước. Không chỉ học tập tốt, trong tâm niệm của những du học sinh thời bấy giờ là dù ở đâu, làm bất cứ việc gì trên đất bạn cũng phải thể hiện là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng, dân tộc kiên cường, bất khuất và yêu chuộng hòa bình.
“Trong hàng chục ngàn sinh viên, du học sinh đến từ khắp nơi trên thế giới được đào tạo tại đây, sinh viên Việt Nam luôn được nhân dân Nga dành nhiều yêu thương nhất”, họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ.
Không chỉ chia sẻ những khó khăn với một đất nước đang trong thời chiến, những tâm hồn Nga còn cảm thông với từng số phận người Việt ngay trên chính quê hương mình. Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng kể thêm, ngoài giảng dạy, giáo viên còn tận tình thăm hỏi về gia đình sinh viên. Biết gia đình anh sinh viên trẻ rất nghèo, thậm chí có những hôm phải nhịn đói, giảng viên người Nga đưa đến cho anh một gói giấy, gói mấy hộp sữa bột và đường, bảo anh hãy gửi bưu điện về quê. Theo phản xạ hơi bất ngờ, anh khẽ cười. Cô giảng viên thoáng ngạc nhiên: “Sao em lại cười?”. Anh sinh viên nhìn cô giáo: “Thưa cô, em cười để khỏi phải khóc...”. Anh vừa dứt lời thì cũng là lúc cô giáo ấy quay mặt đi, giấu đôi mắt đỏ hoe.
Đẹp mãi những tâm hồn Nga
“Nếu phải nói một điều, thì tôi xin chia sẻ rằng, chúng tôi luôn biết ơn Đảng và nhà nước Việt Nam dẫu trong điều kiện hoàn cảnh muôn vàn khó khăn lúc ấy vẫn có một tầm nhìn sâu rộng, quyết tâm tạo điều kiện để những người trẻ chúng tôi được đi học tập ở nước ngoài. Và sâu thẳm trong tâm hồn, tôi muốn cảm ơn đất nước Nga, tri ân những người bạn Nga đã cho chúng tôi có những kiến thức nghệ thuật làm nền tảng cuộc đời cũng như đã yêu thương, chia sẻ với hàng trăm ngàn du học sinh Việt Nam xa xứ. Tấm lòng, tình cảm của nhân dân Nga, của những người bạn Nga thật thiêng liêng không thể nào nói hết”, NSND Kim Quy, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa TPHCM không giấu được xúc động.
NSND Kim Quy kể thêm, thời gian đó, hầu như ở bất kỳ trường nào, thành phố nào của Liên bang Xô Viết, nơi có du học sinh Việt Nam học tập sinh sống, đều có những giảng viên, những bà mẹ Nga tự nhận mình là mẹ của sinh viên Việt Nam. Những dịp cuối tuần, các bạn sinh viên Việt Nam lại được đưa về nhà riêng, nấu ăn, chăm sóc và bồi dưỡng thêm.
Theo nhà văn Tô Hoàng, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, đất nước và những người bạn Nga với vốn văn hóa Xô Viết sâu sắc, những nét văn hóa châu Á gần gũi và tương đồng... luôn là niềm háo hức khám phá, là niềm tự hào của những ai đã từng được học tập, làm việc tại Nga. Du học sinh Việt Nam không chỉ được học tiếng Nga, công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến mà còn hiểu sâu sắc về nền văn hóa, xã hội, về đất nước và con người Nga với biết bao chiến công oai hùng trong lịch sử. Bởi thế, dù chỉ một lần đến với nước Nga, thật khó có ai cầm lòng được khi rời xa nơi đó.
Những bài hát dân gian, những ca khúc hùng tráng, những bản tình ca Nga quen thuộc với những giai điệu đẹp, mộc mạc tâm hồn Nga, đậm chất Nga… đã in sâu vào lòng bao thế hệ lưu học sinh Việt Nam tại Nga và bao thế hệ người Việt. Không chỉ có giá trị lý luận dẫn đường và kinh nghiệm cách mạng, từ nước Nga, đất nước, con người, thi ca, âm nhạc Nga... đã lắng sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam. Và mạch suối nguồn ấy luôn mãi không ngừng thấm sâu và lan tỏa.