Tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình Trương Mỹ Lan, chung thân Đỗ Thị Nhàn

Xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TPHCM nhận định, dù bị cáo Trương Mỹ Lan có tình tiết giảm nhẹ mới, tuy nhiên chưa đủ cơ sở để giảm án ở tội danh "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ"

Sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, sáng 3-12, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên án với bị cáo Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo có kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 43 bị cáo; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục II Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước và 3 bị cáo.

z6092116996956_9e52ea1b80912a0ca00d7b11f893be25.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 3-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo HĐXX, bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo có kháng cáo về các tội vi phạm quy định về cho vay, đưa – nhận hối lộ, tham ô tài sản là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Căn cứ vào chứng cứ, lời khai của các bị cáo tại tòa đã xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng và trở thành người có quyền quyết định cao nhất tại SCB.

Lợi dụng điều này, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB như: Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn… rút tiền ra khỏi SCB để chiếm đoạt, phục vụ mục đích của mình, gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng cho SCB.

z6092117108629_ec5f66d1fe41946da1cfaa16db489b97.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 3-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng lúc thực hiện 3 hành vi phạm tội, đã xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt lớn, gây dư luận xấu trong xã hội. Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; 20 năm tù tội "Đưa hối lộ" và tử hình tội "Tham ô tài sản", buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là tử hình. Phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, đúng người, đúng tội, không oan sai.

HĐXX nhận định, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan có thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Đó là có chuyển biến sâu sắc về nhận thức, thể hiện sự ăn năn hối cải, quyết tâm khắc phục hậu quả vụ án khi đưa dự án 6A Bình Chánh và 658 mã tài sản không đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào tại SCB vào khắc phục hậu quả, có các phương án xử lý tài sản…

Tuy nhiên, xét tổng thể vụ án thì thiệt hại là đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo Điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015 và Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì bị cáo Trương Mỹ Lan phải khắc phục được ít nhất ba phần tư số tiền tham ô (304.000 tỷ đồng), hợp tác tích cực với cơ quan chức năng… thì mới được giảm án từ tử hình sang chung thân.

z6092117129654_579fa754cf00b7a1ff0e5cb3d8c77aec.jpg
z6092117139228_93a2b4ab6b1b077d7249a7ea7e372953.jpg
z6092117141438_4df552d495dc28684cb2da6570cad744.jpg
z6092117066045_97dece2649b8cf323696f06f0b434609.jpg
z6092117035600_23cddc8370813bdc5ca8cf969529ede9.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 3-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tới thời điểm xét xử phúc thẩm, các tài sản mà bị cáo dùng để khắc phục hậu quả vụ án chưa có pháp lý đầy đủ, chưa xác định được giá trị cụ thể nên chưa có cơ sở tính vào tỷ lệ khắc phục hậu quả vụ án, không có cơ sở giảm nhẹ tội "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ". HĐXX cũng lưu ý, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà bị cáo tiếp tục khắc phục được hậu quả vụ án, đáp ứng tỷ lệ theo quy định pháp luật thì cấp có thẩm quyền có cơ sở giảm án cho bị cáo theo điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015.

Từ những phân tích trên, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 16 năm tù tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" (sơ thẩm 20 năm); 20 năm tù tội "Đưa hối lộ" và tử hình tội "Tham ô tài sản", buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là tử hình.

z6092117060402_5173938d067070514bf7dd03a34a5524.jpg
Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên tòa sáng 3-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xét vai trò phạm tội của các bị cáo có phần hạn chế, có các tình tiết giảm nhẹ mới về khắc phục hậu quả vụ án, HĐXX chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo: Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan), Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Windsor, cháu bị cáo Lan), Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Tập đoàn Cappela), Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt), các bị cáo là cựu lãnh đạo SCB...

z6092117120152_7645bcba280398419dc9a26ea5312325.jpg
Bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Windsor, cháu bị cáo Lan) tại phiên tòa sáng 3-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với yêu cầu đòi lại SCB 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của bị cáo Trương Mỹ Lan và nhóm cổ đông liên quan để cấn trừ vào trách nhiệm bồi hoàn của bị cáo, HĐXX cho rằng nội dung này chưa được điều tra, truy tố, xét xử nên HĐXX không có cơ sở nhận định. Nếu các bên liên quan thấy quyền lợi bị xâm phạm thì khởi kiện dân sự theo quy định pháp luật.

Cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn lĩnh án tù chung thân về tội "Nhận hối lộ"

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục II Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – Ngân hàng nhà nước, HĐXX nhận định, bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ, nhưng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho bị cáo Lan phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, đến nay chưa khắc phục được. Vì vậy, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù chung thân của bị cáo Nhàn không được HĐXX chấp nhận.

z6092116993185_6c0ae2f14206e330f97dde1d11367f94.jpg
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục II Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – NHNN tại phiên tòa sáng 3-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với bị cáo là thành viên đoàn thanh tra SCB, HĐXX xét các tình tiết ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong công tác, dù không phải chịu trách nhiệm dân sự nhưng đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án nên chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tin cùng chuyên mục