Tại phiên xử phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Hạnh cho biết phiên tòa cấp sơ thẩm đã bỏ qua nhiều tình tiết gây bất lợi cho bị cáo, đề nghị tòa xem xét lại. Cụ thể: Biên phòng An Giang khi bắt vụ vận chuyển tiền tệ trái phép đã không lập biên bản tại hiện trường, vật chứng, mà mang về đồn mới lập biên bản, dẫn đến sai lệch hồ sơ; Màu sắc của bọc ni lông đựng tiền không đồng nhất màu giữa lời khai các bị cáo. Đáng chú ý, bị cáo Hạnh khai chủ số tiền này là bà K.B., nói giao 500.000 USD cho lính bị cáo Hạnh, chứ không phải 470.000 USD.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM cho rằng bị cáo Hạnh sau khi ra tù (trước đây, bị cáo Hạnh từng lãnh án 6 năm tù tại TPHCM do hành vi buôn lậu điện thoại di động-PV) vẫn không ăn năn hối cải mà tiếp tục vi phạm. Án xử sơ thẩm là đúng người, đúng tội nên việc kêu oan của bị cáo là không có cơ sở.
Kết luận, chủ tọa phiên tòa cấp cao tại TPHCM khẳng định cả Phạm Thanh Sang (40 tuổi), Hồ Tuấn Linh (41 tuổi), Nguyễn Văn Lê (38 tuổi) và Nguyễn Văn Minh (31 tuổi) là người làm công, không có khả năng để tự mình vận chuyển số tiền 470.000 USD.
Do đó, có căn cứ nói họ vận chuyển số tiền trên theo sự chỉ đạo của bị cáo Hạnh. Dù có những tình tiết mới từ lời khai của bị cáo Hạnh nhưng không làm thay đổi vai trò cầm đầu của bị cáo, không ảnh hưởng đến tội danh và hình phạt của các bị cáo.
Từ các lý lẽ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh 8 năm tù và bốn bị cáo Sang, Linh, Lê, Minh mỗi người 4 năm tù, bằng mức án mà Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt.