HĐXX nhận định, có đủ cơ sở xác định bị cáo đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các nhân viên cấp dưới sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gồm các công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Đồng thời, bị cáo đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện các thủ đoạn cắt đứt dòng tiền, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Về các kháng cáo về dân sự và xử lý tài sản trong vụ án: Xét yêu cầu của những người kháng cáo vì không có tên trong danh sách bị hại, HĐXX cho rằng, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND Tối cao đã xác định có hơn 35.824 bị hại liên quan đến việc phát hành trái phiếu.

Với số lượng bị hại rất đông, cư trú trên 58 tỉnh thành trên cả nước. Do đó, để đảm bảo cho các bị hại được nhận văn bản tố tụng và tham gia tại các phiên tòa thì cấp sơ thẩm đã thông báo quyết định xét xử, kèm danh sách bị hại từ các phụ lục 1A-1F cho các bị hại theo phương thức đăng trên cổng thông tin, báo, đài trong 3 số liên tiếp từ ngày 6-9-2024 kèm theo danh sách bị hại và thời gian mở phiên tòa. Do đó, tới tận phiên tòa phúc thẩm mà những người này cho rằng không có tên trong danh sách bị hại là không có căn cứ.
Xét kháng cáo yêu cầu thanh toán lãi, gốc, hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký kết của 25 bị hại. HĐXX nhận định, bản án sơ thẩm đã xác định, các bị cáo đã sử dụng thủ đoạn gian dối để phát hành 308.691.388 trái phiếu, chiếm đoạt số tiền lên tới 30.869 tỷ đồng (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu). Sau khi trừ phần gốc và lãi đã chi trả, hiện còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại. Số lượng bị hại được chốt danh sách tại thời điểm khởi tố vụ án trong số này đã bao gồm 100 cá nhân được chuyển nhượng trái phiếu tại thời điểm truy tố.

Tại phiên toà sơ thẩm đã xác định phạm vi trách nhiệm dân sự của bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho các bị hại hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, số tiền chiếm đoạt và giá trị chiếm đoạt của từng bị hại được xác định trên số lượng trái phiếu mỗi bị hại đang sở hữu, tương đương mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và dùng làm căn cứ để truy tố các bị cáo về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, kháng cáo về lãi, phí chuyển nhượng và các thiệt hại khác, HĐXX không xem xét giải quyết.
Các kháng cáo liên quan đến lãi suất và phí chuyển nhượng trái phiếu nếu có sẽ được xem xét, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có đơn khởi kiện từ các bên liên quan.
Về hình phạt, HĐXX đã ghi nhận một tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. Theo đó, Cục THADS TPHCM đã gửi các báo cáo, văn bản thể hiện số tiền đã thu hồi và dự kiến sẽ thu hồi từ bị cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan là rất lớn. Cụ thể, hơn 8.000 tỷ đồng đã được thu hồi qua 2 giai đoạn thi hành án, đồng thời cơ quan chức năng đang tiếp tục triển khai việc thi hành khoảng 21.000 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả và bảo đảm quyền lợi cho các bị hại. Các khoản tiền này chưa bao gồm giá trị cổ phần, cổ phiếu mà bị cáo Trương Mỹ Lan đang sở hữu, vốn cũng được xem là tài sản để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường trong vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan được HĐXX đánh giá đã thể hiện thiện chí khắc phục hậu quả khi chủ động đề xuất dùng nhiều tài sản cá nhân để bồi thường thiệt hại. HĐXX tuyên sửa một phần bản án hình sự, phạt bị cáo Trương Mỹ Lan được giảm án từ tù chung thân xuống 20 năm tù ở tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; giữ nguyên bản án 8 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và 12 năm tù về tội "Rửa tiền". Tổng hợp án, Tòa tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan chấp hành chung hình phạt cho cả 2 bản án giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là tử hình.