Chủ trì buổi tọa đàm là NSND Trần Ngọc Giàu và NSND Trần Minh Ngọc, cùng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, tác giả, soạn giả sân khấu, nhà nghiên cứu lý luận phê bình: NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Nguyễn Mộng Long (con trai soạn giả Quy Sắc), các soạn giả Đăng Minh, Võ Tử Uyên, Đức Hiền, Lương Nhứt Nương (con gái soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng), TS Đỗ Quốc Dũng, Thạc sĩ Châu Hoài Phương...
Nội dung tọa đàm cũng là một trong các tiêu đề của tập sách đang được Hội Sân khấu TPHCM thực hiện hướng đến kỷ niệm 50 năm Sân khấu Cải lương TPHCM.
Tọa đàm được tổ chức với mong muốn nhìn lại, ghi nhận về quãng đường hoạt động và phát triển của sân khấu cải lương TPHCM trong 50 năm qua, những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động sáng tác kịch bản sân khấu.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu trình bày các tham luận và đóng góp nhiều ý kiến, đã nhắc lại tên tuổi một số tác giả, soạn giả nổi tiếng như: Trần Hữu Trang, Viễn Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Thế Châu, Minh Khoa, Mộc Linh, Thể Hà Vân, Loan Thảo, Lê Duy Hạnh, Thu An, Ngọc Linh… và những tác phẩm sân khấu giá trị, các kịch bản đậm chất văn học mà các soạn giả, tác giả đã để lại cho đời, là những kịch bản - vở diễn có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả mộ điệu.
Trong đó, có thể kể đến các tác phẩm sân khấu cải lương đậm chất văn học, chất tình, chất nhân sinh, tính thẩm mỹ cao, có ý nghĩa lịch sử, thời đại, đã lưu lại trong lòng khán giả mộ điệu qua bao thập niên, như: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Bóng tối và ánh sáng, Người ven đô, Cây sầu riêng trổ bông, Tình mẫu tử, Hòn vọng phu, Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Tiếng hò sông Hậu, Lục Vân Tiên, Tìm lại cuộc đời, Tâm sự Ngọc Hân, Kiều Nguyệt Nga, Bức ngôn đồ Đại Việt, Rạng ngọc Côn Sơn, Muôn dặm vì chồng, Bão táp nguyên phong...
Các kịch bản sân khấu này, đến nay vẫn được nhiều thế hệ nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật cải lương, chọn dàn dựng lại, vì giá trị, vẻ đẹp và chất văn thơ của kịch bản đã in sâu trong lòng khán giả mộ điệu.
Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, các đại biểu đồng thời cũng chỉ ra sự khiếm khuyết, tồn tại hiện nay, xoay quanh các nội dung: người sáng tác chưa thật am hiểu tường tận về âm nhạc, chưa rành các bài bản cải lương, bên cạnh việc giỏi văn thơ thì trong sáng tác cần cân nhắc đưa bài bản âm nhạc cổ vào kịch bản sao cho hợp lý, bài ca cần hội đủ nội dung, thông điệp cần chuyển tải, tính tự sự.
Nội dung câu chuyện, từ các tuyến nhân vật, hoàn cảnh, tình tiết, bài bản ca, lời thoại… trong kịch bản phải được đặt để, sắp xếp hợp lý, không được gượng ép, cần “cân đong đo đếm” các yếu tố làm nên kịch bản sao cho phù hợp, vừa phải, để tạo cảm xúc và ấn tượng đọng lại cho người xem.
Từ thực tế cho thấy, nhiều kịch bản sân khấu ra đời nhưng không đạt được chất lượng và tính văn học cần thiết vì thiếu chất tình, tác phẩm chạy theo tính kịch chứ không chạy theo cái tình trong kịch, tác giả thiếu đi sâu vào tâm tình con người thời đại mới.
Ngoài ra, tọa đàm cũng nhắc đến vấn đề sân khấu hiện nay còn nhiều khó khăn, đội ngũ tác giả ít ỏi, chưa được đào tạo bài bản chuyên môn và chuyên sâu, là một trong những nguyên nhân khiến tồn tại thực trạng thiếu người viết những kịch bản sân khấu mới, hay, đặc sắc, ấn tượng.