Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP chia sẻ, để xây dựng được trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, cũng như các điều kiện cần và đủ khác cho thị trường. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Thông qua buổi tọa đàm, Báo SGGP sẽ chuyển tải toàn bộ các ý kiến đóng góp sôi nổi, hữu ích của các đại biểu đến các cơ quan chức năng tại TPHCM cũng như Trung ương, để có những giải pháp hiệu quả thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.
“Đây cũng là buổi tọa đàm đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023. Năm nay, Báo SGGP sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm khác nhằm góp phần gợi mở, tạo đòn bẩy thúc đẩy đầu tàu kinh tế TPHCM phát triển cùng cả nước trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi như vũ bão”, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường nhấn mạnh.
5 yếu tố cơ bản để hình thành trung tâm tài chính
Trao đổi với các đại biểu, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết: “Là một trong những NHTM của TPHCM, chúng tôi cũng rất mong muốn thành lập TTTCQT tại TPHCM càng sớm càng tốt”. Với nhiều kinh nghiệm tham gia chào bán cổ phiếu cũng như huy động vốn tại các thị trường tài chính quốc tế, ông Trần Hoài Nam đưa ra 5 yếu tố cơ bản để hình thành một TTTCQT.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
TTTCQT là nơi trung chuyển tài chính, tức là phải 2 chiều. Làm sao để các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế muốn huy động vốn là nghĩ đến TPHCM. Bản thân các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các roadshow thì sẽ nghĩ ngay đến các TTTCQT lớn như: London, New York, Dubai, Hồng Kong, Singapore…. Điều này cho thấy, để trở thành TTTCQT thực sự là khi các doanh nghiệp cần sử dụng vốn thì đến đó chứ không phải là nơi chỉ đưa vốn vào. Thứ 2 là nguồn nhân lực, lĩnh vực tài chính phải có nguồn nhân lực chuyên sâu trong khi đó cần phải nhìn nhận, nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế. Thêm nữa là cơ sở hạ tầng. Ngoài cảng biển, hàng không, toà nhà, cần phải có công nghệ và viễn thông vì hiện nay các công ty tài chính (Fintech) ở Việt Nam đang phát triển rất tốt.
>> Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank phát biểu tại tọa đàm
Cuối cùng là cơ chế chính sách và hành lang pháp lý. Đặc biệt là Việt Nam phải có các chính sách về thuế để có thể thu hút các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế tham gia. Thêm vào đó, cần phải nâng tầm sàn chứng khoán TPHCM vì hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn. Từ kinh nghiệm của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như New York, Singapore, London… cho thấy, họ luôn tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường này.
>> Phát biểu ông Trần Ngọc Thạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cảng Sài Gòn
Phác họa “chân dung” và lộ trình là cực kỳ quan trọng
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Asian Holding, đã đặt câu hỏi tại tòa đàm rằng: Từ đề án đến thực thi mất khoảng thời gian bao lâu? Theo tôi, muốn hình thành TTTCQT cần phác họa “chân dung” và lộ trình chi tiết, điều này cực kỳ quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Asian Holding. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Dẫn chứng từ thực tế, ông Hậu cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều khách hàng nước ngoài mua bất động sản nhưng nay lấy ra không dễ chút nào. Trước đó, họ dễ dàng chuyển khoản từ nước ngoài vào Việt Nam để mua bất động sản, nhưng nay muốn bán đi, lấy tiền về thì các thủ tục không dễ. Vậy làm sao để huy động tiền từ nước ngoài vào Việt Nam cũng dễ và khi cần họ lấy ra cũng đơn giản?
>> Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Asian Holding phát biểu
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển: Là trung tâm tài chính từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn lình xình?
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, dẫn chứng: Năm 2000, thị trường tài chính còn sơ khai nhưng đã có mô hình Quỹ đầu tư TP thành lập là định chế tài chính mới. Mô hình quỹ đầu tư lúc đó còn sơ khai của TTTC Việt Nam nhưng có các chức năng mạnh hơn HFIC hiện nay.
“Tôi không nói về quy mô mà là vai trò, bởi lẽ Quỹ đầu tư thời điểm đó phân định rõ ràng việc quản lý vốn nhà nước, thu chi ngân sách thành phố, có phòng quản lý ủy thác, có bộ phận thẩm định cho vay các dự án mang tính cốt lõi của TPHCM… Thế nhưng, trong suốt 20 năm nay vẫn chưa có sự chuyển động”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển: Là trung tâm tài chính từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn lình xình? |
Nêu các bất cập, TS Đinh Thế Hiển nói, vừa qua Sở Giao thông TPHCM đề xuất vốn cho các dự án cửa ngõ với hình thức BOT, trong khi đáng lẽ vấn đề huy động vốn cho các dự án này phải có vai trò của HFIC trong việc đưa ra các giải pháp. Năm 2000, TPHCM đã phát hành trái phiếu đô thị, lúc đó TPHCM mới có đủ năng lực, đủ điều kiện để phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình nhưng hiện nay số lượng phát hành trái phiếu lớn nhất thuộc về các công ty tư nhân phát hành TPDN trên 1 triệu tỷ trong khi trái phiếu đô thị và công trình của TPHCM dậm chân tại chỗ.
“Tôi là Chủ tịch của 1 quỹ đầu tư, cũng đang tìm trái phiếu tốt để đầu tư nhưng lại không có trái phiếu tốt nào để đầu tư, trong khi trái phiếu Chính phủ thì lãi suất thấp. Điều này cho thấy, TTTC TPHCM chuyển động chậm chạp. Đề án TTTC của Viện Kinh tế TP năm 2000 đã được phê duyệt, TPHCM là đầu tàu của 7 tỉnh. Tuy nhiên, nếu TPHCM không được Trung ương cấp cho các cơ chế đặc thù thì khó mà hình thành TTTC”, TS Hiển nói.
Hiện nay nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu là ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. Thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều sự cố và đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có TTTC để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Việc thu hút vốn này không phải TPHCM, không phải HFIC mà là những định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng… đứng ra huy động vốn.
>> Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phát biểu tại toạ đàm
Cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi
Tiếp tục bàn về TTTCQT TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi:
Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư.
Tại tọa đàm, các chuyên gia hiến kế để thực hiện thành công việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề.
Thứ ba, là trụ cột về thị trường hàng hoá phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hoá sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. Trong khi đó, Việt Nam được xếp top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống.
Về nhóm giải pháp, có 5 nội dung cần tập trung giải quyết để hoàn thiện ba trụ cột trên, nhưng phải nhấn mạnh rằng rất cần sự tham gia một cách chủ động và đầy trách nhiệm từ cơ quan Trung ương, bởi vượt thẩm quyền của TPHCM. Cụ thể: xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia. Về vấn đề này, có thể lựa chọn hình thức là Chính phủ giao cho một cơ quan chức năng tập trung xây dựng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với mục tiêu hình thành TTTC. Hoặc có thể chọn giải pháp rút ngắn thời gian hơn bằng cách kế thừa, áp dụng mô hình thị TTTC đã có sẵn trên thế giới.
Hai là, cần cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ba là, cần có sự vào cuộc cơ quan Trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tạo nền tảng vững chắc, an toàn để thu hút cũng như hình thành những con sếu đầu đàn đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. Các tập đoàn này phải đảm bảo năng lực để tích hợp kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Đây được xem là những con sếu đầu đàn, là tiền đề cần thiết để TTTC hoạt động ổn định.
Bốn là, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của TTTC làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xác định chọn thị trường ngách, là một lĩnh vực nào đó hoặc chọn tổng thể các ngành trên thị trường toàn cầu. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho các định chế tài chính tương ứng.
Năm là, chủ động xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ lĩnh vực tài chính. Nguồn nhân lực này có thể thu hút từ nước ngoài hoặc đào tạo trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính cũng như gia đình họ.
>> Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM phát biểu tại tọa đàm
TPHCM thực tế đã là Trung tâm tài chính của cả nước
Nối tiếp phát biểu của các chuyên gia, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, nhận xét: thực tế TPHCM đã là trung tâm tài chính (TTTC) của cả nước dù chưa được định hình bài bản, thấy rõ nhất là những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm… Thế nhưng ở tầm quốc tế thì cần phải chuyển đổi để hoàn thiện hơn.
Theo đó, nhằm sớm hình thành TTTCQT tại TPHCM thì cần có chính sách đủ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo cơ hội sinh lời và cuối cùng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Muốn đáp ứng vấn đề này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt là có chính sách thuế tiệm cận với chính sách thuế của các TTTC trong khu vực và thế giới đang áp dụng.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: TPHCM thực tế đã là Trung tâm tài chính của cả nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
"Chúng ta cần định hình những doanh nghiệp có quy mô sản xuất mạnh, tin cậy, đủ năng lực kiến tạo các dự án tiềm năng có cơ hội sinh lợi cao. Cũng khẳng định rằng, việc hình thành TTTC Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian gần đây rất cao. Việt Nam cũng là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn và thuận lợi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Vấn đề còn lại là cần cơ cấu nền kinh tế và sự tham gia của cả nước", Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền.
>> Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền phát biểu tại tọa đàm
Theo vị chuyên gia này, về yếu tố niềm tin, Nhà nước cần phải đảm bảo yếu tố thông tin cân bằng, hoàn chỉnh, tránh thông tin bất cân xứng. Muốn vậy, cần phải siết kỹ cương thị trường, minh bạch thông tin, chính sách niêm yết, khung hành lang pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp có cơ sở triển khai.
Ở góc độ khác, giải pháp nhanh nhất là cần liên kết với các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại các TTTC lớn trên thế giới đến Việt Nam để mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Từ thực tế hoạt động của họ sẽ có đề xuất sửa đổi, kiến tạo khung hành lang pháp lý, đây là cơ sở để Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, khung pháp lý cần và đủ để hình thành TTTTQT.
Trung tâm tài chính đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế
Làm rõ mối quan hệ khăng khít giữa Trung tâm tài chính và cảng biển, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, Ủy viên Ban chấp hành Hội Logistics TPHCM cho biết, trước đây Hồng Kông (Trung Quốc) là trung tâm tài chính quốc tế với các cảng biển lớn, nhưng hiện nay Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến (Trung Quốc) đang phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông vẫn duy trì vị trí top 10, góp phần duy trì vị thế của trung tâm tài chính quốc tế trên toàn cầu.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, Ủy viên Ban chấp hành Hội Logistics TPHCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Trung tâm tài chính đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế. Riêng với Hồng Kông có vị thế đặc biệt, nằm trên cửa ngõ Á - Âu, với sân bay lớn, thúc đẩy trung tâm tài chính lớn, các cảng biển hoạt động; song song đó kéo theo sự phát triển mạnh của các yếu tố khác như tài chính, chính sách, thị trường vốn… Cảng quốc tế không chỉ đơn thuần giúp cho sự phát triển của quốc gia, khu vực, mà còn gom hàng cho các quốc gia khác; đồng thời còn kéo theo các công ty tài chính khác, hoạt động vốn cho chủ tàu, chủ hàng… cùng phát triển vượt bậc. Để hình thành trung tâm tài chính cần nguồn vốn rất lớn, mất thời gian khoảng 20 năm.
Cũng nói rõ thêm, Việt Nam, trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022, có 3 cảng có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm Hải Phòng, TPHCM và Cái Mép. Đây đều những cảng biển được đánh giá tốc độ tăng trưởng tốt. Nói về hệ thống cảng biển Cần Giờ (TPHCM), chúng ta có tuyến vận tải đặc biệt nằm trên tuyến vận tải quốc tế Á - Âu. Thế mạnh của cảng biển đã có, tuy vậy từ nhiều năm qua hoạt động cảng biển của Việt Nam chưa hiệu quả, mà mới chỉ dừng lại ở việc trung chuyển, bốc xếp hàng hóa tại khu vực cửa ngõ qua tuyến đường thủy nội địa…
Trung tâm tài chính đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đối với TPHCM, chúng ta đề cập đến “siêu cảng” quốc tế Cần Giờ - Cái Mép, được định hướng đầu tư với công suất thiết kế 15 triệu TEUs, hiện đang lập đề án nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, vay trong thời gian từ 15-17 năm. Quá trình đầu tư lâu dài nên rất cần thị trường vốn để đáp ứng đầu tư. Điều đáng mừng là, mới đây, Tập đoàn MSC (một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới) đã đề xuất tham gia vào “siêu cảng” này, cộng với sự thu hút các công ty liên quan đến hoạt động cảng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM.
>> Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, Ủy viên Ban chấp hành Hội Logistics TPHCM
Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM tạo nên làn sóng thu hút đầu tư thứ ba
Cùng tham gia chủ trì buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, HFIC được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) TPHCM. Hiện nay đề án cơ bản hoàn thành các nội dung, lãnh đạo thành phố đã thông qua, đồng thời đã được trình lên Trung ương và đang xúc tiến thành lập Ban chỉ đạo đề án để sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ông Nguyễn Ngọc Hoà phân tích, trước hết phải nhìn lại quá trình phát triển của TPHCM. Thành phố đã trải qua hai làn sóng đầu tư. Ở làn sóng thứ nhất, thành phố đã thành công trong việc thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc đa lĩnh vực và hình thành nhiều KCX-KCN. Nền tảng này đã mở ra nhiều cơ hội, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân; tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hình thành nên làn sóng đầu tư thứ hai.
Về làn sóng đầu tư thứ hai, rút kinh nghiệm từ làn sóng đầu tư trước đó nên việc thu hút đầu tư được chọn lọc hơn, theo hướng nâng cao chất lượng dòng vốn doanh nghiệp đầu tư. Thành phố đã đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế đột phát để thu hút thành công nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ cao sản xuất sản phẩm đầu cuối, phải kể đến như: Samsung, Intel, Nidec Sankyo... Những doanh nghiệp đầu đàn này đã tạo cơ sở để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đến Việt Nam. Điển hình thành công của làn sóng đầu tư này là thành phố đã hình thành khu công nghệ cao.
Thế nhưng, theo ông Hòa, với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba. Trong đó là kiến tạo hình thành thị trường vốn mà TTTCQT TPHCM là điển hình. Trên thực tế, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nguồn vốn đa dạng hơn, lớn hơn, dài hơi hơn để có thể mở rộng quy mô đầu tư và phát triển. Hiện Việt Nam đã manh nha hình thành thị trường vốn là trái phiếu nhưng còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, bất cập thì vẫn phải tổ chức lại để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển của thành phố và cả nước.
"Và Nghị quyết 31 sẽ là cơ sở để thành phố thay mới chiếc áo đã chật. Việc sớm hình thành và đi vào hoạt động TTTCQT TPHCM sẽ là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính để tạo nguồn lực phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp với những dự án quy mô lớn hơn, chất lượng sâu hơn, tạo cú hích mạnh cho đồng bộ các ngành cùng phát triển", Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM khẳng định.
Hiến kế để thực hiện thành công Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM
Được sự quan tâm, ủng hộ bằng nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành, cùng sự nỗ lực vượt bậc của người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo, nhờ đó TPHCM đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế cả nước.
Chỉ tính riêng năm 2022, TPHCM đã nộp ngân sách trên 471.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, tiềm năng, lợi thế của TPHCM chưa được khai thác hiệu quả: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo xung lực mới cho TPHCM phát triển toàn diện, đóng góp nhiều hơn, ngày 30-12-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiều giải pháp, chiến lược đột phá, trong đó có ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.
Thành quả phát triển TPHCM thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Buổi tọa đàm diễn ra từ 8 giờ 30 sáng nay tại trụ sở Báo SGGP. Đến tham dự buổi tọa đàm gồm có các đại biểu như sau:
Tiến Sĩ Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia Kinh tế
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Kinh tế
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, Ủy viên Ban chấp hành Hội Logistics TPHCM
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cảng Sài Gòn
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài Chính TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HD Bank
Bà Liêu Thị Phượng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Charm Group
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Asian Holdings.
Về phía báo SGGP, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập, cùng chủ trì buổi tọa đàm.
>> Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu khai mạc tọa đàm
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực.
Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phát triển văn hoá, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên.
Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, tạo chuyển biến khá tích cực. Phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.
Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo ông Phạm Văn Trường, thành quả phát triển TPHCM thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của TP chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân….
Để khắc phục những bất cập này, ngày 30/12/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển TPHCM văn minh, hiện đại. Một trong những giải pháp quan trọng, vốn đã được TP xác định từ nhiều năm trước, là xây dựng trung tâm tài chính mang tầm quốc tế tại TPHCM. Trung tâm này vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cho thành phố làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay trung tâm này chưa thể hình thành…
"Hôm nay, Báo SGGP tổ chức tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TPHCM” với sự tham gia của các vị khách mời là các chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp và các nhà báo… Chúng tôi hy vọng, qua buổi tọa đàm hôm nay, sẽ có thêm những ý tưởng, giải pháp mang tính thực tiễn để đóng góp cho TP trong việc sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, từ đó tạo đà - đòn bẩy cho TP phát triển tương xứng với vai trò, vị thế đầu tàu của mình", ông Phạm Văn Trường cho hay.